Một nhiệm vụ trọng tâm của Cục An toàn thông tin trong tháng 8/2020 là hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp.
Thông tin về công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, Cục An toàn thông tin cho biết, trong tháng 7/2020 Cục đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 521 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong đó, có 232 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 168 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 121 cuộc tấn công cài mã độc (Malware).
Như vậy, tiếp tục xu hướng giảm, số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong tháng 7/2020 đã giảm 0,19% so với tháng 6/2020 và giảm 38,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê đã được Cục An toàn thông tin công bố trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố đã giảm 26% so với 6 tháng cuối năm 2019 và giảm 27,1% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm ngoái.
Cục An toàn thông tin cũng cho hay, trong tháng 7/2020, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma – PV) là hơn 2 triệu địa chỉ, giảm 4,84% so với tháng 6/2020. Kết quả này có được là nhờ Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường việc ghi nhận, cảnh báo và tăng hướng dẫn xử lý để đảm bảo an toàn thông tin.
Đặc biệt, theo Cục An toàn thông tin, trong tháng 7/2020, tỷ lệ bộ, tỉnh triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp đã tăng nhanh so với tháng 6, đạt hơn 43% (tỷ lệ này là 19% tính đến hết tháng 6/2020).
Mới đây, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6/2020, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành mô hình bảo đảm an toàn thông tin 4 lớp theo hướng dẫn của Bộ TT&TT trước ngày 30/9/2020.
Đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp thống nhất từ Trung ương đến địa phương là một trong những chỉ đạo quan trọng về an toàn, an ninh mạng Việt Nam cho giai đoạn tiếp theo. Đây là định hướng được Thủ tướng Chính phủ đưa ra cho các bộ, ngành, địa phương tại Chỉ thị 14 ngày 7/6/2019 về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Mô hình bảo đảm an toàn thông tin chuyên nghiệp 4 lớp bao gồm: Lực lượng tại chỗ; Tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; Tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp, giúp các bộ, ngành, địa phương và các chủ quản hệ thống thông tin có định hướng trong việc thuê mua dịch vụ giám sát, an ninh mạng chuyên nghiệp, ngày 3/7, Bộ TT&TT đã cho ra mắt các nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin. Đây là những nền tảng do doanh nghiệp Việt Nam phát triển, sẵn sàng cung cấp dịch vụ ra thị trường và kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, những nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương rút ngắn 90% khối lượng, thời gian triển khai mô hình 4 lớp; bởi lẽ lựa chọn nền tảng cung cấp dịch vụ SOC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin sẽ bảo đảm hoàn thành 2 lớp quan trọng trong mô hình 4 lớp là lớp 2 và lớp 4.
Trong định hướng công tác tháng 8/2020, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp.
Cùng với đó, trong tháng 8/2020, Cục sẽ tập trung hoàn thiện các Đề án: “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2020-2025”, “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025”, “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng” giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025”.