|
Khoảng 30 nhà xuất bản khác nhau tại Mỹ đang kiện Google và Facebook. (Ảnh: Getty Images) |
Xuất phát điểm chỉ là những vụ kiện nhỏ, giờ đây nó đã trở thành một làn sóng trên toàn quốc. Khoảng 30 công ty, xuất bản hơn 200 tờ báo, kiện Facebook và Google ở hàng chục bang của Mỹ.
Năm 2020, Tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton đệ đơn khiếu nại Google và Facebook, cáo cáo buộc hai gã khổng lồ công nghệ hợp tác với nhau để độc quyền thị trường quảng cáo. Trong vụ kiện năm nay, các tờ báo vẫn tiếp tục sử dụng lý do này để kiện Facebook và Google.
Ông Clayton Fitzsimmons, một luật sư của các tờ báo, tuyên bố mục đích của vụ kiện là để bù đắp thiệt hại mà các công ty công nghệ lớn đã gây ra cho các tờ báo trước đây, đồng thời xây dựng một hệ thống mới để báo chí không chỉ lấy lại sức cạnh tranh mà còn có thể phát triển mạnh mẽ.
Nếu các tờ báo thắng kiện, họ có thể được hưởng một khoản tiền lớn, ước tính gấp ba lần mức thiệt hại thực tế.
Doug Reynolds, đối tác quản lý của HD Media, một trong những công ty khởi kiện, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy các yếu tố chính trị và luật pháp đang phát triển theo hướng có lợi nên chúng tôi sẽ không dừng lại”.
Một nghiên cứu của Pew Research năm 2020 chỉ ra, doanh thu quảng cáo của ngành báo chí đã giảm 62% trong 10 năm trở lại đây, cụ thể từ 37,8 tỷ USD năm 2008 xuống 14,3 tỷ USD năm 2018. Quy mô phát hành của các tòa soạn cũng giảm tương tự - số lượng phát hành báo in từ hơn 50 triệu tờ năm 2007 xuống còn khoảng 28 triệu tờ năm 2018.
Trong khi đó, Google và Facebook lại “bội thu” nhờ quảng cáo. Alphabet, công ty mẹ của Google, kiếm được 183 tỷ USD với hơn 80% đến từ hoạt động kinh doanh quảng cáo, theo báo cáo thường niên năm 2020 của Alphabet.
Chia sẻ với The Post, Google khẳng định các tuyên bố trên là sai lầm. Môi trường quảng cáo vô cùng cạnh tranh, còn chi phí công nghệ quảng cáo của hãng thấp hơn trung bình ngành. Ngoài ra, các nhà xuất bản giữ lại phần lớn doanh thu kiếm được khi sử dụng các sản phẩm của Google. Công ty cũng nhấn mạnh đã chi hàng tỷ USD để ủng hộ báo chí trong kỷ nguyên số.
Các vụ kiện đang chờ giải quyết.
Theo Vietnamnet