Được tổ chức 2 năm một lần, triển lãm nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam là sự kiện lớn nhất từ trước đến nay, tạo điều kiện cho các công ty dệt may Việt Nam có cơ hội tham quan, tìm hiểu, lựa chọn các chủng loại thiết bị có trình độ công nghệ hiện đại được sản xuất từ các nước tiên tiến để định hướng đầu tư thêm công nghệ mới.
Thông qua triển lãm, nhiều doanh nghiệp có cơ hội tăng tỷ lệ nội địa hóa và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng nhu cầu của trong nước và nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD hàng dệt may là khó đạt được, ngành dệt may Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, giữ vững vị trí là một trong những nhà xuất khẩu dệt may uy tín trong khu vực và trên thế giới, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam, tuy nhiên, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao. Một trong những điểm yếu của ngành dệt may hiện nay là chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may. Đây là nguyên nhân chính làm cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Theo đó, để khắc phục những tồn tại, tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm dệt may xuất khẩu, Chính phủ và các Bộ ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong đó có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.