Từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2017, Apple gửi 531.966 chiếc iPhone, 25.673 chiếc iPad và 19.277 đồng hồ Apple Watch cho Geep - công ty Canada chuyên tái chế sản phẩm điện tử. Hãng yêu cầu tất cả các sản phẩm, không có ngoại lệ, đều phải được tách các bộ phận, thu hoạch những chất liệu tạo nên chúng để tái chế.
Tuy nhiên, khi kiểm tra các kho hàng của Geep, Apple phát hiện số lượng của một số mẫu bị chênh lệch so với tờ khai ban đầu. Qua đối chiếu số seri, họ thấy 18% thiết bị được gửi đến Geep đang được sử dụng trên mạng của một số nhà khai thác địa phương.
Một số linh kiện của iPhone sau khi được tháo gỡ để tái chế. Ảnh: Apple.
|
Trong đơn kiện Geep, Apple thống kê công ty tái chế này đã tuồn trót lọt 103.845 thiết bị của hãng ra thị trường để thu lợi nhuận. Đại diện Apple cho rằng số lượng sản phẩm bị đánh cắp và bán lại có thể lớn hơn, vì nhiều mẫu iPad và Apple Watch chỉ hỗ trợ kết nối Wi-Fi nên khó bị truy vết trên mạng của nhà cung cấp dịch vụ.
Geep tuyên bố họ không biết gì về sự việc trên và cho rằng đó là hành động tự ý của ba nhân viên công ty, nhưng Apple đã chỉ đích danh một trong số những người này chính là Giám đốc điều hành của Geep.
Các tài liệu được công khai gần đây cho thấy đơn khiếu nại được Geep gửi lên tòa án Canada vào tháng 7, trong khi Apple nộp đơn kiện Geep từ tháng 1. Việc đánh cắp sản phẩm để bán lại diễn ra cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Apple sau đó đã ngừng hợp tác với Geep.
Apple yêu cầu công ty tái chế phải bồi thường 100% số tiền thu được từ những thiết bị Geep bán trái phép, cộng thêm 31 triệu đôla Canada bồi thường. Trong khi đó, Geep muốn Giám đốc điều hành và những người liên quan sẽ phải trả tiền cho Apple, nếu các bằng chứng đưa ra là đúng.
Theo VnExpress