Đứt gãy thông tin cộng hưởng với logistic yếu
Quãng thời gian dịch bệnh hoành hành dữ dội và TP.HCM phải cách ly xã hội tăng cường vừa rồi, rõ ràng hàng triệu người dân TP.HCM đã không mua được đủ hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm tươi sống.
Nguyên nhân vì sao lại có tình trạng này? Có hay không sự đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm từ nguồn cung ở các tỉnh thành lân cận? Khi mà hiện tại để hàng hoá có thể về được tới TP.HCM phải qua rất nhiều trạm chốt kiểm dịch.
Tham dự toạ đàm trực tuyến ngày 31/8 do Dr SMEs tổ chức, ông Lê Chi Lợi (Trang trại Vườn Quê Việt từ Bà Rịa, Vũng Tàu) đau đớn nói: “Dịch bệnh kéo dài, có lẽ sắp tới trang trại chỉ còn để trồng… cỏ. Những ngày giãn cách vừa rồi, những người nông dân như chúng tôi đã cố gắng rất nhiều mới có thể chuyển được thực phẩm tươi sống về vùng dịch TP.HCM. Sản xuất dù “ba tại chỗ” nhưng cũng bị ảnh hưởng quá nhiều. May là chúng tôi đã dự trữ đủ lượng thức ăn chăn nuôi gia cầm, chứ cách ly xã hội kéo dài, vừa thiếu nhân công, vừa thiếu nguyên vật liệu, khó sản xuất tiếp”.
Ông Lê Chi Lợi từ Vườn Quê Việt (Bà Rịa, Vũng Tàu) đưa ý kiến |
Ông Đỗ Trần Anh, một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số trong nông nghiệp buồn bã nhấn mạnh: “Rất cần sự ổn định trong chính sách chứ thủ tục giấy tờ nhiều quá, mã QR Code cấp ra chưa đồng bộ giữa các tỉnh thành, các cơ quan, đã và sẽ làm khó cho việc vận chuyển thực phẩm tươi sống đi lại giữa các tỉnh thành mùa dịch”.
Ông Nguyễn Duy Dương – Công ty Thực phẩm sạch Nam Tiến cho biết: “Chợ Phước Long (quận 7) và nhiều chợ đầu mối đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng thực phẩm tới người dân TP.HCM. Tuy nhiên, buộc phải đóng cửa chợ truyền thống để chống dịch đã khiến đứt gãy toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống đến người dân theo cách truyền thống và hiện tại chưa có bất cứ giải pháp nào để khắc phục điểm này”.
Bà Hoàng Thoa, Giám đốc đào tạo và phát triển chương trình – Viện Sáng tạo và chuyển đổi số Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Khi xây dựng chính sách, thì nhiều khi nhà quản lý cứ nghĩ rằng chỉ những người xây dựng chính sách mới cần có ý kiến. Nhưng đi vào thực tế thì mới thấy rất cần nghe ý kiến của những người đang tham gia trực tiếp vào guồng máy”.
Nhiều chuyên gia đã cùng đưa ý kiến, giải pháp sáng tạo tại toạ đàm trực tuyến về đứt gãy chuỗi cung ứng mùa dịch |
Tham dự toạ đàm, bà Nguyễn Thị Thu Liên – Hiệp hội Thực phẩm minh bạch có ý kiến: “Chuỗi cung ứng gồm có Dòng thông tin, Dòng logistic hàng hoá, Dòng phản hồi sau bán hàng. Ở ta, dòng logistic hàng hoá bình thường rất yếu và bây giờ đã bộc lộ rõ yếu điểm trong đại dịch. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng yếu điểm về Dòng thông tin đang đứt gãy nghiêm trọng trong đại dịch. làm khó cho cả người nông dân, doanh nghiệp và nhà quản lý. Nguồn cung không thiếu nhưng thông tin tới thương lái đã đứt, thông tin giữa các siêu thị, hệ thống cung cấp tới người dân cũng đứt. Nhà quản lý cũng có thể ra quyết định sai lầm vì bị đứt gãy thông tin, dẫn tới tình trạng thực phẩm không tới tay người dân, khiến dân càng mất lòng tin”.
Giải pháp tổng thể thay cho đi chợ hộ
Có mặt tại toạ đàm trực tuyến, ông Vũ Chí Kiên - Phó vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TTTT thừa nhận: “Đã khó khăn lắm thực phẩm mới đến được tay người dân nhưng ở nhiều khu vực vẫn diễn ra tình trạng “bom” hàng”.
Để vượt qua đại dịch, ông Vũ Chí Kiên đề nghị các chuyên gia đưa ý kiến góp ý, kiến nghị, trước hết để giải quyết các bài toán ngắn hạn về cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân đang cách ly xã hội; đồng thời có tầm nhìn dài hạn, để giải quyết bài toán quản lý xã hội trong quãng thời gian hậu đại dịch.
Nền tảng trực tuyến Cuccu đưa ý kiến giải pháp CNTT hỗ trợ chú bộ độ đi chợ hộ dân |
Ông Lê Chi Lợi đề nghị: “Mình có vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng, vùng xanh. Vậy tại sao các vùng xanh chưa được giao lưu cung ứng cho nhau?”
Bà Nguyễn Thị Thu Liên mong muốn: “Đề nghị Chính phủ và lãnh đạo các Thành phố khắc phục từ khâu yếu nhất là thông tin. Theo tôi, điểm này không khó vì chúng ta là quốc gia chuyển đổi số”.
Ông Đỗ Trần Anh hiến kế: “Người nông dân muốn chuyển hàng đi nhưng không muốn mạo hiểm nếu không nhận được thanh toán. Trông chờ vào các phường và anh bộ đội chuyển đổi số ngay lập tức là điều bất khả thi. Nên gửi gắm vai trò vận chuyển chuyên nghiệp vào các đơn vị lớn như Viettelpost và Vnpost. Dùng mã QR Code để quản lý luồng xanh cho thực phẩm thiết yếu”.
“Chắc chắn phải bán hàng theo combo tới các hộ dân. Tôi cũng thấy câu chuyện phường đi chợ hộ không khả thi chút nào. Đi chợ hộ vừa vất vả, còn bị bom hàng. Hãy thay đổi từ tư duy có hàng thì mua sang tư duy mua rồi mới có hàng, phải chuyển đổi số tuyệt đối trong khâu bán hàng. Các nhà bán cho dân đặt hàng theo link, tập hợp đơn hàng chuyển tới nhà cung cấp. Hàng hoá vận chuyển theo các đơn vị chuyên nghiệp, về đến thành phố được phân luồng tự động chia trên hệ thống. Nền tảng số cho phép tổng hợp, khép kín, giúp nhà quản lý nhìn rõ cả về nhu cầu và hiện trạng của hàng hoá, lưu dữ liệu khách hàng cho các lần bán sau đó. Bán hàng trên nền tảng số, thực hiện thanh toán online trả trước chắc chắn sẽ không vướng phải cảnh bom hàng” – Đỗ Thắng, CEO của nền tảng số Cuccu đưa ý kiến.
“Các nền tảng số sẽ tạo ra liên kết giữa chuỗi cung ứng, kết nối nhà bán và khách hàng, ngoài ra còn có thể kết nối cả các nhà hảo tâm để cư dân các vùng khó khăn được nhận hàng trực tiếp từ người ủng hộ. Nền tảng số Cuccu đã triển khai bán hàng online tại Hà Nội. Chúng tôi cũng rất mong thời gian tới có thể triển khai bán hàng tại TP.HCM theo mô hình này, hỗ trợ các chú bộ đội đi chợ giúp dân được thuận lợi hơn. Với TP.HCM, có lẽ sẽ cần tới 250.000 combo mỗi ngày. Một combo có thể nuôi sống một gia đình trong vòng một tuần” - CEO Cuccu nhấn mạnh.
Cuccu đưa giải pháp công nghệ giúp đi chợ hộ người dân TP.HCM |
“Rất cần số hoá, điều tiết nhu cầu giữa các vùng xanh, cam, đỏ. Vận chuyển với bưu cục tự động, quét mã QR Code để qua các chốt kiểm dịch. Thời điểm dịch bệnh hoành hành mạnh như thế này, con đường chắc chắn là phải chuyển đổi số, sử dụng thương mại điện tử, logistic thông minh thì mới có thể vừa hoạt động, giao thương mà vẫn giữ được 5K, phòng chống lây lan” – ông Vũ Chí Kiên lưu ý.
“Bước 1: tư duy là giữ sinh mạng hàng đầu nên cấm hết, nhưng chỉ chịu được vài tuần. Bước 2: Chống đói cũng chỉ chịu được vài tháng, vậy phải đến bước 3: Không làm lấy gì ăn. Khi mà các doanh nghiệp, hộ sản xuất bắt đầu đóng băng. Giờ đành phải nghĩ tổng thể, có thể hy sinh cái này để đổi cái khác. Không nghĩ dài hạn thì đến lúc sẽ ôm nhau mà chết. Vậy tôi đề nghị các canh chị có tâm huyết, ý kiến đóng góp bằng văn bản, tổng hợp kiến nghị, tôi sẽ đưa đến những cơ quan chức năng, hoặc chắc chắn cũng giúp tôi có thêm góc nhìn để trực tiếp chỉ đạo điều hành công tác của các đơn vị Bưu chính Viettelpost và Vnpost” - ông Vũ Chí Kiên nhấn mạnh.
Hàng trăm chuyên gia đã có mặt tại hội thảo trực tuyến ngày 31/8 đồng thuận cho rằng chuyển đổi số không chỉ khắc phục những đứt gãy tức thời của chuỗi cung ứng thực phẩm mà còn có ý nghĩa lâu dài về phát triển và quản lý xã hội.