Theo quyết định 879/QĐ-BTTT được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký ngày 25/5 vừa qua, mục tiêu của sự điều chỉnh này là nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng sinh viên trúng tuyển đầu vào, bảo đảm người học sau khi tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng cao hơn quy định, theo cam kết được công bố của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Học viện Công nghệ BCVT).
Học viện được tổ chức đào tạo ở bậc sau đại học, đại học, cao đẳng và đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và các hoạt động giáo dục khác theo nhiều mục tiêu, chương trình giáo dục đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, cấp phép đào tạo theo quy định; xác nhận cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền
Ngoài ra, đây cũng là đơn vị được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao, chuyển nhượng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, công bố kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của Học viện.
Cơ quan lãnh đạo và quản lý toàn diện và trực tiếp của Học viện là Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, học viện còn chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo của Bộ Giáo dục và đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của các bộ ngành có liên quan và chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nơi Học viện đặt trụ sở.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép Học viện quyết định, tổ chức triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ; khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, việc ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học gắn với thị trường và nhu cầu xã hội; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ, tổ chức hộ thảo với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; chủ động tìm kiếm và nhận tài trợ, viện trợ cho các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong cả nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.