|
Ảnh minh hoạ: Internet |
Đó là ý kiến được ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD&ĐT đưa ra bàn thảo tại Hội thảo Hợp tác quốc tế về nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin (ATTT), do Cục ATTT - Bộ TT&TT phối hợp cùng Cơ quan chiến lược và sẵn sàng ứng phó sự cố ATTT quốc gia Nhật Bản (NISC) tổ chức mới đây.
Trong tham luận về thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho học sinh, sinh viên, ông Bá khẳng định sự cần thiết phải có những biện pháp để tăng cường bảo mật thông tin cũng như nâng cao nhận thức, ý thức về ATTT cho học sinh, sinh viên, ông Bá cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các kiến thức, kỹ năng về ATTT, bảo mật thông tin cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường, chẳng hạn như đã đưa những kiến thức về bảo mật thông tin, ATTT vào chương trình học môn Tin học của học; trong môn Giáo dục công dân và một số môn học liên quan đến pháp luật, các kiến thức pháp luật liên quan đến bảo mật thông tin, ATTT, pháp luật về ATTT cũng đã được đưa vào...
Trong 9 năm qua, Bộ GD&ĐT cũng đã và sẽ phối hợp cùng Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA); Cục ATTT và Trung tâm VNCERT thuộc Bộ TT&TT; Cục CNTT - Bộ Quốc phòng tổ chức cuộc thi “Sinh viên với ATTT”. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp cùng Trung ương Đoàn tổ chức các hoạt động định hướng cho thanh thiếu niên và sinh viên trong việc sử dụng Internet, sử dụng mạng xã hội và khai thác thông tin trên mạng xã hội như thế nào cho hiệu quả.
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng thừa nhận, các hoạt động đã triển khai vẫn chưa thực sự hiệu quả, vì thế nhận thức của học sinh sinh viên về ATTT còn khá là ít ỏi, mờ nhạt.
“Nhận thức về ATTT của học sinh, sinh viên trong các nhà trường còn rất hạn chế. Các em còn rất mơ hồ về việc đảm bảo ATTT cho chính mình cũng như cho người khác khi tham gia các hoạt động trên mạng. Từ nhận thức yếu dẫn đến ý thức bảo mật thông tin của các em về ATTT cũng rất hạn chế”, đại diện Vụ Công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD&ĐT chia sẻ.
Ông Dương Văn Bá đã lấy trường hợp 2 em học sinh THCS mới đây tấn công website các sân bay Việt Nam để minh chứng cho mức độ hạn chế về nhận thức, ý thức của học sinh về ATTT. “Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, hai em học sinh này tấn công vào các website sân bay xuất phát từ mong muốn thể hiện bản thân, muốn làm cho nổi, muốn thử xem hệ thống bảo mật của các sân bay như thế nào. Các em không hiểu hết được ảnh hưởng từ những hành động của mình cũng không biết mình làm như vậy là vi phạm pháp luật về ATTT”, ông Bá nói.
Ông Bá cũng cho biết thêm: “Không những thế, học sinh của chúng tôi nhiều em đã phải tự tử, bỏ học, trở thành những người không hoàn thiện về mặt thần kinh sau khi bị lộ thông tin trên hệ thống mạng. Điều này hết sức nguy hiểm với các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh THCS và THPT - đối tượng đang ở lứa tuổi hết sức nhạy cảm, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các em trong cả quá trình sau này”.
Từ thực trạng kể trên, ông Bá cho hay, thời gian tới, bên cạnh việc sẽ phối hợp với các đơn vị để tiếp tục triển khai các hoạt động đã làm trong những năm qua, Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ TT&TT để triển khai thêm nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức về ATTT, bảo mật thông tin cho học sinh sinh viên.
“Tới đây, chúng tôi sẽ đưa nội dung về ATTT và pháp luật ATTT vào môn học Tin học với thời lượng nhiều hơn, khối lượng kiến thức lớn hơn để các em học sinh trong các nhà trường được trang bị, cung cấp nhiều thông tin hơn”, ông Bá cho biết.
Hội thảo Hợp tác quốc tế về nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin là một trong những hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ đã được đề ra tại “Đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT đến năm 2020”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 893 ngày 19/6/2015.