|
Theo thông tin từ tập đoàn Hòa Phát, rạng sáng ngày 27/5/2016, lô heo giống đầu tiên của Hòa Phát trong mảng chăn nuôi đã về tới sân bay Nội Bài sau hành trình từ Đan Mạch về Việt Nam.
Đáng chú ý trong lô heo giống lần này có số lượng 500 con thuộc dòng cụ kỵ (GPP) và có trọng lượng trung bình từ 40-60 kg.
Theo thông cáo phát đi từ tập đoàn, đây là lô hàng đầu tiên nên nhận được sự chỉ đạo quan tâm sát sao của ban lãnh đạo của Hòa Phát từ việc tìm hiểu nguồn gen, chọn nhà cung cấp, thiết kế xây dựng chuồng trại và quy trình nuôi heo … theo đúng tiêu chuẩn châu Âu.
Đây là giống heo thuần chủng được mua từ đối tác DanBred của Đan Mạch. Đây là quốc gia đứng đầu thế giới về nguồn gen heo giống chất lượng cao, kỹ thuật chăn nuôi rất hiện đại, và đòi hỏi quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trưởng phòng kỹ thuật và Công nghệ Hòa Phát cho biết, tất cả phương án về vật tư, con người, vận tải… đều được Công ty tính toán kỹ càng trên cơ sở tư vấn của các chuyên gia chăn nuôi hàng đầu Đan Mạch.
Dự kiến, sau 10 tuần nữa, Hòa Phát sẽ tiếp tục nhập đợt heo giống thuần chủng thứ hai về để nhân đàn, sinh sản. Theo tính toán, Công ty sẽ bắt đầu cung cấp lợn thịt, lợn giống từ đầu năm 2018 và đặt mục tiêu 650.000 đầu lợn vào năm 2021.
Được biết trước đó Hòa Phát đã chi 300 tỷ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên với công suất 300.000 tấn/năm.
Có thể thấy khi lĩnh vực bất động sản tuy đem lại lợi nhuận đột biến nhưng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và mang tính chu kỳ. Các “đại gia” Việt Nam đang dần chuyển hướng sang mảng nông nghiệp với phương châm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để phân tán rủi ro. Từ việc “bầu” Đức – HAGL chuyển sang nuôi bò, cho đến “tỷ phú đô la” Phạm Nhật Vượng – Tập đoàn Vingroup trồng rau và giờ đến lượt “đại gia ngành thép” Trần Đình Long – Hòa Phát chuyển hướng … nuôi heo.
Quả thực, nông nghiệp công nghệ cao đang có sức hút vô cùng mạnh mẽ, đồng thời là lĩnh vực đầu tư bền vững lâu dài và để tận dụng cơ hội mà TPP mang lại.