Hoạt động kinh doanh của Apple đang bị đe dọa từ sự bùng phát virus Corona lan rộng ở Trung Quốc. Ngày càng nhiều các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ gián đoạn sản xuất iPhone kéo dài hàng tháng trong thời gian tới.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã phải đối mặt với hơn một tháng hỗn loạn tại siêu nhà máy của nhà lắp ráp chính Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc, được gọi là “Thành phố iPhone”, sau đợt bùng phát bắt đầu vào tháng 10.
Foxconn đã chuyển một số hoạt động sản xuất của mình sang các nhà máy khác trên khắp Trung Quốc, trong khi Apple đã làm việc với các nhà cung cấp linh kiện khác để giảm bớt thời gian chờ đợi lâu bất thường – khoảng 23 ngày đối với khách hàng mua iPhone Pro ở Mỹ, theo nghiên cứu của ngân hàng Thụy Sĩ UBS.
Trước đó, Apple đã cảnh báo vào ngày 6 tháng 11 về sự gián đoạn “đáng kể” trước kỳ nghỉ lễ. Tuyên bố hiếm hoi được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi các giám đốc điều hành dự báo doanh số bán hàng thấp hơn khoảng 8% trong giai đoạn nghỉ lễ. Giờ đây, khi truy cập trang web chính thức của Apple, iPhone 14 Pro và 14 Pro Max luôn hiển thị giao hàng trong vòng một đến hai tuần, tức là không thể nhận trước năm 2023.
Các nhà phân tích tin rằng doanh thu của công ty trong quý này sẽ giảm ngay dưới mức kỷ lục 123,9 tỉ USD mà công ty đạt được so với cùng kỳ năm ngoái, với lợi nhuận ròng dự kiến sẽ giảm hơn 8%, theo ước tính của ngân hàng do Visible Alpha tổng hợp. Điều này sẽ phá vỡ kỷ lục tăng trưởng doanh thu liên tục trong 14 quý khi Apple phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt từ 5 triệu đến 15 triệu chiếc iPhone.
Nhiều nhà phân tích còn cho rằng rủi ro đối với doanh thu của Apple trong năm 2023 đã tăng lên khi những thống kế cho thấy có tới 1 triệu người tại Trung Quốc có nguy cơ tử vong vì Covid trong những tháng tới sau khi chủ tịch Tập Cận Bình dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt. Một cửa hàng Apple ở khu mua sắm chính của Bắc Kinh đã phải cắt giảm giờ làm việc vào tuần trước vì tất cả công nhân của họ đều bị ốm.
1/5 doanh thu của Apple đến từ việc bán hàng ở Trung Quốc, trong khi hơn 90% iPhone được lắp ráp tại đây. Đối thủ điện thoại thông minh Samsung đã rời Trung Quốc vào năm 2019 và đa dạng hóa quy trình lắp ráp tại ít nhất 4 quốc gia.
Horace Dediu, nhà phân tích độc lập tại Asymco, một công ty tư vấn, cho biết những khó khăn trong hoạt động và sản xuất của Apple những tháng gần đây có thể kéo theo cuộc khủng hoảng nhu cầu ở Trung Quốc khi người tiêu dùng thay đổi thói quen chi tiêu.
Dediu cho biết: “Mặc dù phần còn lại của thế giới chứng kiến nhu cầu tăng lên trong thời gian phong tỏa, nhưng đó là do nhu cầu làm việc tại nhà. Với khả năng bùng dịch cao, người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ hạn chế mua những món hàng không cần thiết vào năm tới”.
Để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Apple đã chuyển một phần sản xuất của mình sang nhà máy Chennai (Ấn Độ), nơi đã sản xuất khoảng 5 - 10% lượng iPhone 14. Theo các nhà phân tích tại JPMorgan, Apple có thể sản xuất 25% tổng số iPhone vào năm 2025 tại Ấn Độ.
Prabhu Ram, người đứng đầu nhóm nghiên cứu công nghiệp tại CyberMedia Research ở Gurgaon, Ấn Độ, ước tính rằng có tới 7-8% iPhone đang được lắp ráp tại Ấn Độ và dự đoán ba nhà cung cấp lớn của Đài Loan đang nhắm mục tiêu 18% lượng iPhone được lắp ráp ở Ấn Độ vào năm 2024.
Alan Day, Chủ tịch của State of Flux, một công ty tư vấn chuỗi cung ứng có trụ sở tại London đã làm việc với Liên Hợp Quốc về các tiêu chuẩn của công ty để ứng phó với Covid, cho biết nỗ lực của Trung Quốc nhằm dập tắt căn bệnh này thay vì quản lý nó đã khiến các dây chuyền lắp ráp của nước này bị đình trệ.
Theo Financial Times