|
Tập đoàn Hòa Phát đang "buôn" vố ngân hàng? |
Về nguyên tắc, trong hoạt động ngân hàng, lãi suất cho vay bao giờ cũng phải cao hơn lãi suất huy động. Tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, khoảng chênh lệch này (NIM), dao động trong khoảng trên dưới 3%.
Bên cạnh việc tạo nguồn để bù đắp chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, chi phí xử lý rủi ro, chi phí cơ hội (cho phần vốn phải đem dự trữ bắt buộc),.. NIM còn là “cửa” kiến tạo lợi nhuận quan trọng của ngân hàng.
Với các TCTD, lãi suất, cả đầu ra lẫn đầu vào, luôn là công cụ cạnh tranh mạnh nhất, giúp các nhà băng tranh giành ảnh hưởng, chiếm lĩnh thị phần và khách hàng.
Tuy nhiên, quan sát dòng vốn tín dụng ở Tập đoàn Hòa Phát (HSX: HPG), lại thấy không ít điểm "kỳ thú" trong quan hệ của tập đoàn này với các tổ chức tín dụng.
Lãi suất cho vay thấp hơn cả lãi suất huy động
Báo cáo tài chính cho thấy, quan hệ hợp tác giữa HPG và các ngân hàng thương mại luôn duy trì khá bền chặt, trên cả hai chiều tín dụng.
Cụ thể, HPG vay tiền từ các ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng cũng đồng thời gửi vào tại các ngân hàng (có thể là các ngân hàng mà họ vay tiền hoặc là ngân hàng khác) lượng tiền tiết kiệm rất lớn.
Sẽ chẳng có gì đáng bàn, nếu lãi suất vay vốn mà Hòa Phát đang chịu không… thấp hơn lãi suất tiền gửi mà Hòa Phát đang hưởng, trong chính quan hệ với các ngân hàng.
Nhưng, theo báo cáo tài chính sau kiếm toán gần nhất được HPG công bố, tính đến ngày 30/6/2015, Hòa Phát đang có 1.035 tỷ đồng tiển gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm tại các tổ chức tài chính, hưởng lãi suất từ 4% đến 5,5% (2014: 4,2% đến 8,2%) một năm.
Đồng thời, Hòa Phát còn có 73 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng, được hưởng lãi suất từ 5% đến 8% (2014: 6,2% đến 7,7%) một năm.
Đó là còn chưa tính tới cả nghìn tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn hơn mà HPG đang hạch toán vào 2.000 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, nhưng không công bố lãi suất cụ thể.
Trong khi, ở chiều ngược lại, cũng tại thời điểm 30/06/2015, dư nợ vay ngắn hạn bằng VND của Hòa Phát tại các ngân hàng là 1.457 tỷ đồng. "Kỳ thú" ở chỗ, lãi suất vay tương ứng lại chỉ từ... 3,1% đến 5% (2014: 3,5% đến 6,5%) mỗi năm.
Tức là, lãi suất đi vay mà Hòa Phát đang "chịu" (thực ra là hưởng) lại thấp hơn tối đa đến 2,4%/năm so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm mà họ đang được trả.
Hòa Phát đang được ưu đãi lãi suất đi vay ở mức thấp gần nhất Việt Nam là một thực tế, và cũng đang đồng thời đang gửi tiền ngân hàng hưởng lãi suất cao hơn hẳn đi vay, cũng lại là một thực tế khác.
Nghịch lý lãi suất ngân hàng ở Hòa Phát: "Tối thiểu là hòa còn không là phát"...
Như vậy, xét riêng quan hệ tín dụng ngắn hạn (từ 1 năm trở xuống) với các ngân hàng, Tập đoàn Hòa Phát đã chẳng mất tiền trả lãi mà còn “mỡ nó rán nó”… ra lời. Lưu ý là hoạt động kinh doanh này đã diễn ra trong một thời gian khá dài.
Tính toán của VietTimes, với hơn 1.000 tỷ đồng, vừa vay ngắn hạn vừa gửi tiết kiệm có kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm tại các ngân hàng, Tập đoàn Hòa Phát vừa có vốn kinh doanh không mất chi phí mà còn hưởng lời, “bỏ túi” cả chục tỷ đồng mỗi năm.
Đằng sau câu chuyện…
Câu chuyện “buôn” vốn ngân hàng ở Tập đoàn Hòa Phát sẽ đặt ra nhiều câu hỏi.
Thứ nhất, tại sao các ngân hàng lại có thể cho HPG vay vốn với một mức lãi suất hạ đến vậy (?).
Nên nhớ, mức lãi suất vay vốn 3,1 – 5% mà các ngân hàng thương mại đã áp dụng cho Tập đoàn Hòa Phát là thấp hơn hẳn so với mặt bằng lãi suất huy động bình quân trên thị trường tín dụng năm 2015 ( thường dao động từ 4 – 6,5%, tùy kỳ hạn).
Thứ hai, đâu là ngân hàng đã “bơm” vốn giá rẻ cho HPG (?).
Tất nhiên, về lý thuyết, để làm được điều này, các ngân hàng đó phải huy động được nguồn vốn rẻ hơn.
Trao đổi với VietTimes, một chuyên gia kinh tế kỳ cựu, từng có nhiều năm tham gia quản trị, tư vấn cho các TCTD tiết lộ, các ngân hàng thương mại nhà nước luôn có nguồn tiền gửi không kỳ hạn từ ngân sách, từ các tổ chức nhà nước lớn như kho bạc, bảo hiểm… Dù không kỳ hạn, nhưng quy mô lớn và khá ổn định với lãi suất cực thấp tạo, nên luôn có lợi thế nguồn vốn rẻ.
Chính lợi thế cạnh tranh đó, cụ thể hóa bằng lãi suất, nên các “ông lớn” này sẵn sàng chào giá đến giật mình cho các đối tác lớn.
Song dù nói thế nào, cả nền kinh tế vẫn đang “khát” vốn, nhiều doanh nghiệp vẫn phải “sống dở chết dở” vì không kham nổi chi phí vay vốn ngân hàng. Khi đó, việc Tập đoàn Hòa Phát được ưu ái nguồn vốn giá rẻ cũng là điều cần phải xem xét.
Thứ ba, Tập đoàn Hòa Phát có đang đứng giữa hưởng lợi để “san” vốn ngân hàng (?)
Cụ thể hơn là, HPG có đang tiến hành vay vốn giá rẻ từ các ngân hàng thân hữu, rồi lại đem tiền đó gửi vào ngân hàng khác (hay cũng có thể là chính ngân hàng cho vay vốn) để hưởng lãi suất cao hơn.
Sự luẩn quẩn của dòng vốn trong hệ thống ngân hàng (thông qua HPG), nếu có, sẽ ảnh hưởng bất lợi cho cân đối và điều hành chính sách.
Lý giải câu hỏi này cũng đòi hỏi trả lời một số vấn đề phái sinh khác. Như HPG có tôn trọng các điều khoản cam kết về mục đích sử dụng vốn (?); Có hay không những lợi ích khác đằng sau câu chuyện (?),…
Liên quan đến quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn Hòa Phát và các tổ chức tín dụng, được biết, một trong những đối tác lớn nhất của tập đoàn này là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Ninh Giang – Quốc Dũng