Hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão COVID-19: Cần chọn lọc, có trọng điểm

Theo góp ý của nhiều chuyên gia, các gói hỗ trợ Chính phủ để doanh nghiệp vượt bão COVID-19 cần có trọng tâm, trọng điểm và không nên cào bằng. Trong đó, cần lưu ý hỗ trợ những doanh nghiệp, ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng mạnh, góp phần giúp nền kinh tế hồi phục nhanh sau đại dịch.
TP.HCM - "đầu tàu" kinh kế của cả nước đang gồng mình chống chịu với dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Vũ Phước

Tại cuộc họp ngày 5/8, Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về các giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng); giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế. Bên cạnh đó, giảm 30% thuế giá trị gia tăng (VAT) với doanh nghiệp thuộc một số nhóm dịch vụ và miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp lỗ liên tục trong ba năm từ 2018 đến 2020.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính áp dụng giảm thuế VAT cho doanh nghiệp. Theo chia sẻ của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thì gói hỗ trợ sẽ rơi vào khoảng 24.000 tỷ đồng.

Đã có nhiều chính sách về hỗ trợ thuế, phí cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ ban hành từ đầu năm ngoái đến nay.

Cụ thể, hồi tháng 09/2020 Chính phủ ban hành Nghị định 114, đồng ý giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Nghị định về miễn giảm thuế cho doanh nghiệp Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ mới đây là nhằm kế thừa Nghị định 114, cùng với đó, mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng, cũng như các loại thuế được miễn, giảm.

Trước đó, hồi tháng 4/2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đến ngày 19/4/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 52/2021 nhằm thay thế Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Nghị định 52 có đối tượng mở rộng hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài Chính Tạ Anh Tuấn: Năm 2020, cơ quan này đã gia hạn cho khoảng 111.000 tỷ thuế cho 180.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Ước tính năm 2021, con số gia hạn nộp thuế sẽ rơi vào khoảng 120.000 tỷ đồng.

Tổng cục thuế cho biết, đến cuối 2020 cơ bản 96% số thuế được gia hạn đã nộp lại cho nhà nước. Như vậy, cơ bản doanh nghiệp được giãn, hoãn thuế đã sớm phục hồi.

Có thể tóm lược lại rằng, Chính phủ đang song song áp dụng 2 Nghị định để hỗ trợ doanh nghiệp về các loại thuế, phí. Một là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 114 và hai là gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52. Ngoài ra, Bộ Tài chính có bổ sung giảm một số loại thuế, phí cụ thể, theo từng loại hình như giảm 50% thuế trước bạ với ô tô sản xuất trong nước; giảm 30% thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay; giảm cước viễn thông; giảm tiền điện sinh hoạt cho hộ dân, doanh nghiệp trong vùng dịch...

Các giải pháp nêu trên được kỳ vọng góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Đặc biệt, việc gia hạn nộp thuế sẽ giúp các doanh nghiệp phần nào giải quyết được bài toán về dòng tiền, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đánh giá rằng, sẽ không thực sự hiệu quả theo đúng như kỳ vọng bởi do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không có doanh thu cũng như phát sinh lãi nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không có tác dụng. Còn những doanh nghiệp có doanh thu lớn (trên 200 tỷ đồng), phát sinh lợi nhuận thì lại không nằm trong đối tượng được giảm thuế.

TS. Cấn Văn Lực. Ảnh: Trọng Hiếu

Cần hỗ trợ có "trọng điểm"

Chia sẻ với Nhadautu.vn, TS. Cấn Văn Lực cho biết Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xem xét và sẽ có những đề xuất với Chính phủ về cách hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, là những doanh nghiệp "đầu đàn", dẫn dắt nền kinh tế nhưng đang phải chịu tác động lớn từ dịch bệnh COVID-19 thuộc một số nhóm ngành như du lịch, vận tải...

Đang nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp "đầu đàn" chịu tác động lớn từ dịch bệnh

TS. Cấn Văn Lực

"Có thể hiểu rằng, đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ thời gian tới sẽ ở diện rộng hơn và có chọn lọc. Còn các doanh nghiệp vẫn đang làm ăn tốt, có doanh thu lớn, sống khoẻ trong đại dịch thì không cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế", ông Lực nói.

Đồng quan điểm với ông Lực, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, hiện nay các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã khá đầy đủ cả về diện và điểm.

Về diện là những chính sách về giảm cước viễn thông, giảm tiền điện hàng tháng, rồi miễn giảm thuế, giãn hoãn thuế, phí với các vùng dịch đều đã được tính tới. Đặc biệt trong đề xuất mới đây của Bộ Tài chính, đối tượng được mở rộng ra áp dụng với cả các hộ gia đình và lần đầu tiên giảm thuế VAT ở một số lĩnh vực dịch vụ.

"Điều quan trọng nhất ở các gói hỗ trợ là minh bạch, đánh giá được tác động tới doanh nghiệp, nền kinh tế và đủ dài. Còn vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp lớn, có trọng điểm thì cần phải bàn kỹ, rõ ràng xem đâu là doanh nghiệp nên được hỗ trợ và hỗ trợ theo cách nào?", ông Thành đặt vấn đề.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: Cứu ai để vực dậy nền kinh tế là cả một câu chuyện lớn. Thang bậc ưu tiên khác nhau để sẵn sàng vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

Cần ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp có triển vọng phát triển sau đại dịch

TS. Trần Đình Thiên

"Cần ưu tiên cứu trợ những doanh nghiệp có triển vọng phát triển sau đại dịch, phù hợp với sự biến đổi mau lẹ của thời đại 4.0 hậu COVID-19. Việc cứu trợ những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không có cơ hội tồn tại, phát triển trong tương lai sẽ dẫn tới sự lãng phí nguồn lực, vì muốn cứu cũng không cứu được", ông Thiên nói.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, xác định ngành nào cần được ưu tiên cứu trợ là vấn đề không dễ. Nền kinh tế sau dịch sẽ là một nền kinh tế khác. Cứu trợ doanh nghiệp phải hướng tới việc "thay máu" cho nền kinh tế để thích nghi với thời đại mới bằng việc xây dựng được các trụ cột, nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Những giải pháp như miễn giảm hoãn thuế, phí, tiền thuê đất… sẽ giảm bớt áp lực đè lên doanh nghiệp lúc rất khó khăn. Hoặc việc ngân hàng giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cũng sẽ giúp doanh nghiệp "thoát hiểm". Nhưng đó là giải pháp cấp cứu, không phải là giải pháp phục hồi. Vì vậy, quan trọng là phải chọn và khi chọn thì phải tính đến nguy cơ, ảnh hưởng tiêu cực", ông Thiên khuyến cáo.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Đại biểu Quốc hội khoá XV đồng quan điểm: Cần có những chính sách miễn, giảm, hỗ trợ thuế trúng và đúng hơn nữa thay vì cào bằng như hiện nay.

Cần có những chính sách miễn, giảm, hỗ trợ thuế trúng và đúng hơn nữa thay vì cào bằng như hiện nay

TS. Phan Đức Hiếu

“Chính phủ cần có những nghiên cứu, khảo sát để tìm ra đâu là những doanh nghiệp có lợi thế, sống tốt hậu dịch COVID-19. Hãy coi đây như một giai đoạn để thị trường thanh lọc, những doanh nghiệp yếu, không có sức chống chọi ắt phải bị loại bỏ. Còn lại là những doanh nghiệp sống tốt, sống khoẻ thì cần được hỗ trợ. Hỗ trợ không phải chỉ bằng hình thức trực tiếp là miễn, giảm các loại thuế, phí mà còn bằng nhiều cơ chế khác để doanh nghiệp tiếp tục sống khoẻ và mở rộng hoạt động kinh doanh, sản xuất”, ông Hiếu nói.

TS. Nguyễn Đức Kiên đánh giá: Cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ gần như đã làm hết những gì trong khả năng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua thách thức của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, để hỗ trợ từng doanh nghiệp là rất khó, gây nhiều tranh cãi.

"Khi Chính phủ quyết định hỗ trợ cho Vietnam Airlines đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, có cả dư luận lên án, không đồng thuận. Vậy làm sao để đưa ra chính sách thời gian tới?", ông Kiên đặt vấn đề.

Chính sách hỗ trợ đã có đủ, vấn đề là làm sao thực thi cho hiệu quả

TS. Nguyễn Đức Kiên

Còn về các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, ông Kiên cho biết, về phía hỗ trợ người dân, người lao động yếu thế, Chính phủ đã ban hành gói cứu trợ 26.000 tỷ. Với doanh nghiệp thì có gói hỗ trợ vay trả lương cho lao động với lãi suất 0%. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động ban hành Thông tư 01 và Thông tư 03 về giãn, hoãn thời gian trả nợ, cơ cấu lại các khoản nợ; giảm lãi suất điều hành, từ đó giảm lãi suất huy động và cho vay trên thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Các chính sách miễn, giảm, giãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp cũng được ban hành tức thì nhằm giúp doanh nghiệp giữ lại nguồn lực để cầm cự, tiếp tục hoạt động kinh doanh sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ còn rất lưu tâm tới phát triển thị trường, cả trong nước và xuất khẩu. Đó là gốc để nuôi sống doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đức Kiên khẳng định: Đã có đủ các loại hình chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để vượt đại dịch. Vấn đề chính lúc này là làm sao thực thi cho hiệu quả. Chính phủ luôn lắng nghe xem địa phương, doanh nghiệp cần gì để tiếp tục hỗ trợ. Tuỳ vào thực tế, từng địa phương, mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ cần một cách hỗ trợ khác nhau.

Theo Nhà đầu tư

Theo https://nhadautu.vn/ho-tro-doanh-nghiep-vuot-bao-covid-19-can-chon-loc-co-trong-diem-d56116.html