Hindenburg Research đã bán khống cổ phiếu Adani Group như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu coi việc bán khống cổ phiếu Adani Group tại Ấn Độ như ‘nhiệm vụ bất khả thi’, Hindenburg Research có thể xem là chàng nhân vật chính của loạt phim đình đám.
Nathan Anderson – nhà sáng lập Hindenburg Research (Ảnh: Getty Images)
Nathan Anderson – nhà sáng lập Hindenburg Research (Ảnh: Getty Images)

Khi Nathan Anderson – nhà sáng lập Hindenburg Research - quyết định đưa Adani Group (Adani) của Ấn Độ vào ‘tầm ngắm’, anh ấy đã phải đối mặt với thách thức lớn nhất: vượt qua các quy tắc chống bán khống của Ấn Độ.

Anh ấy cũng không trình bày chi tiết cách cấu trúc thương vụ của mình, chỉ cho biết đã lấy vị thế bán khống cổ phiếu Adani ‘thông qua trái phiếu được giao dịch tại Mỹ và các công cụ phái sinh không được giao dịch tại Ấn Độ’.

Nhưng 3 nhà quản lý quỹ phòng hộ đã nghiên cứu về thương vụ này chia sẻ với Financial Times rằng, Nathan Anderson có thể đã phải xây dựng vị thế của mình bằng cách sử dụng các công cụ phái sinh liên kết với các chỉ số lớn nhất của Ấn Độ, cũng như trái phiếu giao dịch tại Mỹ.

Dù Adani đã phản bác các cáo buộc trong một báo cáo dài tới 400 trang, những cáo buộc của Hindenburg Research vẫn gây ra một đợt bán tháo trong các tổ chức niêm yết của tập đoàn và làm ‘bốc hơi’ 100 tỉ USD vốn hóa.

Đó là diễn biến mà Hindenburg Research – bên sẽ kiếm được lợi nhuận khi giá trái phiếu và cổ phiếu liên quan tới một công ty lao dốc – đã kỳ vọng. Tuy nhiên, cách Anderson và nhóm của anh ấy cấu trúc giao dịch của họ vẫn là một ẩn số đối với phần đông thị trường.

Thông thường, những nhà bán khống sẽ vay cổ phiếu thông qua một nhà môi giới, bán chúng trên thị trường và kỳ vọng giá sẽ giảm. Nếu diễn biến như mong đợi, người bán khống sẽ mua lại cổ phiếu để trả người cho vay và bỏ túi phần chênh lệch.

Tuy nhiên, rất khó để bán khống các công ty ở Ấn Độ, theo Financial Times. Nguyên nhân là bởi, theo quy định tại Ấn Độ, các nhà đầu tư tổ chức phải khai báo trước nếu họ đặt một vị thế bán khống và các nhà môi giới phải tải dữ liệu về lệnh bán khống lên sàn giao dịch chứng khoán trước khi giao dịch vào ngày hôm sau.

Trong khi đó, nhiều công ty - bao gồm cả những công ty trong Tập đoàn Adani - có lượng cổ phiếu lưu hành tự do ở mức khiêm tốn, khiến lượng hàng có sẵn trở thành rào cản đối với người bán khống.

Cùng với đó, Ấn Độ không cho phép giao dịch bán khống vô căn cứ (naked short selling), trong đó các nhà đầu tư có thể đặt cược rằng một cổ phiếu sẽ giảm giá mà không cần vay chứng khoán cơ bản trước.

“Tôi đã xem xét Adani trong một thời gian ngắn vào mùa hè năm ngoái và một trong những lý do tại sao tôi quyết định không điều tra thêm về nó là vì khó bán khống cổ phiếu của họ ở Ấn Độ”, Gabriel Grego, một nhà quản lý quỹ phòng hộ tại Quintessential Capital, cho biết.

Cuộc 'tấn công' bán khống của Hindenburg Research khiến khối tài sản của tỷ phú giàu nhất châu Á Gautam Adani 'bốc hơi' nhiều tỉ USD (Ảnh: Internet)

Cuộc 'tấn công' bán khống của Hindenburg Research khiến khối tài sản của tỷ phú giàu nhất châu Á Gautam Adani 'bốc hơi' nhiều tỉ USD (Ảnh: Internet)

Cách thức của Hindenburg Research

Các nhà đầu tư muốn đặt cược vào vị thế bán khống một công ty Ấn Độ có thể sử dụng chỉ số chứng khoán chính của Ấn Độ, cụ thể là Nifty 50. Trong đó, Adani Enterprises là chiếm tỷ trọng lớn nhất, theo 3 quỹ phòng hộ đã xem xét thương vụ của Hindenburg Research.

Các ngân hàng hoạt động tại Singapore, một trong những khu vực pháp lý mà người bán khống có thể thực hiện các loại giao dịch này, có thể tạo ra một sản phẩm gọi là hợp đồng tương lai cổ phiếu đơn lẻ (single stock future). Các công cụ phái sinh này cho phép các nhà đầu tư tiếp xúc với các biến động giá trên các cổ phiếu cơ bản.

Trong trường hợp của Hindenburg Research, họ sẽ nhận được giá trị bằng trọng số của Adani Enterprises trong chỉ số và phần còn lại sẽ được bán trên thị trường.

Hạn chế của các loại công cụ này là tính thanh khoản thấp trên thị trường, điều đó có nghĩa là các khoản đặt cược có xu hướng tương đối nhỏ. Người bán khống thường sử dụng các công cụ phái sinh khác, chẳng hạn như hợp đồng hoán đổi (credit default swap – viết tắt: CDS) để tăng số tiền đặt cược của họ, nhưng điều này là không thể trong trường hợp của Adani Enterprises vì ​​nhóm này không được liệt kê trong các chỉ số CDS.

Cùng với đó, việc đặt cược vào trái phiếu niêm yết tại Mỹ do các tổ chức khác nhau của Adani phát hành cũng là một lựa chọn cho Hindenburg Research. Tuy nhiên, công ty này đã từ chối bình luận.

Mặt khác, nhà sáng lập Hindenburg Research cũng có xu hướng hợp tác với những nhà bán khống khác khi nghiên cứu các mục tiêu. Có rất ít thông tin được tiết lộ về cách công ty này đặt mục tiêu vào Adani dù họ nói rằng quá trình nghiên cứu kéo dài 2 năm.

Dẫn lời trên Financial Times, 2 người biết về quy trình này nói rằng Hindenburg Research đã có sự giúp đỡ của một nhà phân tích chuyên về các công ty Ấn Độ để nghiên cứu về Adani. Nhà phân tích này đã dẫn đầu cuộc nghiên cứu với sự giúp đỡ của 5 nhiên viên Hindenburg Research.

Nhóm này đã quyết định công bố báo cáo ngay trước khi Adani thực hiện bán số cổ phần trị giá 2,4 tỉ USD.

Thời điểm là rất quan trọng. Bởi lẽ, báo cáo của Hindenburg Research đặt ra nghi ngờ về nhóm nhà đầu tư chủ chốt liên quan đến thương vụ bán cổ phần của Adani, bao gồm các tổ chức có trụ sở tại Mauritius.

Bên bán khống cáo buộc nhóm nhà đầu tư này có mối liên hệ với giới chủ Adani và đang mua cổ phiếu để hỗ trợ giá cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trong nhóm. Adani đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc./.

Nguồn tham khảo: Financial Times