“Dốt nhưng không biết mình dốt” có hầu hết ở tất cả mọi người, khái niệm "unknown unknowns”, những người kém năng lực thì lại càng lộ rõ mức độ tự tin của họ.
Tác giả “Nguồn gốc của các loài”, Charles Darwin từng nhận định: “Ngu dốt thường sinh ra sự tự tin hơn là kiến thức”, và triết gia Bertrand Russell cũng cảm thán: “Một trong những điều đau khổ của thời đại chúng ta là những ai cảm thấy sự chắc chắc lại là những kẻ ngu ngốc, còn người giàu tưởng tượng và tri thức lại lấp đầy bởi sự hoài nghi và lưỡng lự”.
Vào năm 1999, các nhà nghiên cứu tâm lý học David Dunning và Justin Kruger đã công bố một nghiên cứu có tựa đề là “Unskilled and Unaware of It: How Difficulties in Recognizing One’s Own Incompetence Lead to Inflated Self-Assessments” (“Không có kỹ năng và không nhận thức về điều đó: Khó khăn trong việc nhận ra sự bất toàn của chính mình dẫn đến việc tự đánh giá bản thân bị thổi phồng như thế nào”) trong đó mô tả xu hướng của chúng ta về việc đánh giá khả năng của bản thân.
Điểm kiểm tra thực tế và khả năng tự nhận thức (Actual test Score: Điểm kiểm tra thực tế, Perceived Ability: năng lực tự nhận thức) (Ảnh: Medium)
|
Các nhà nghiên cứu đã đưa cho những người tham gia 4 bài kiểm tra đánh giá sự hài hước, suy luận logic và ngữ pháp. Sau đó, họ yêu cầu những người tham gia tự đánh giá năng lực của mình, nghĩ xem họ làm tốt đến mức nào trong các bài kiểm tra đó.
Hầu hết những người tham gia không chỉ đánh giá quá cao thành tích của bản thân, mà những người tham gia ít năng lực nhất cũng là những người đánh giá quá cao khả năng của họ. “Biết càng ít, họ càng nghĩ mình biết nhiều”.
Sau đó, các nhà nghiên cứu còn cho họ đánh giá các khả năng của nhau. Những người có khả năng thấp lại đánh giá không chính xác về những người có khả năng cao hơn mình. Hay nói cách khác, họ không chỉ thiếu khả năng đo lường năng lực của chính mình mà còn thiếu khả năng đo lường chính xác năng lực ở người khác.
Từ những nghiên cứu này đã xuất hiện một hiệu ứng mang tên của hai nhà nghiên cứu “Hiệu ứng Dunning – Kruger”, được mô tả “là một sự lệch lạc nhận thức, trong đó những người kỹ năng kém đưa ra những quyết định tồi và những kết luận sai lầm, nhưng việc thiếu năng lực lại ngăn cản nhận thức về chính những sai lầm đó".
Mối tương quan giữa sự tự tin và vùng hiểu biết (Ảnh: Cafebiz)
|
Hiệu ứng Dunning - Kruger nghe có vẻ như một câu hỏi hóc búa: nếu bạn không biết những gì bạn không biết, làm sao bạn biết? (if you don’t know what you don’t know, how can you know?) May mắn thay, có một lối thoát: tất cả tập trung vào việc phát triển các kỹ năng siêu nhận thức (metacognition skill).
Siêu nhận thức có nghĩa là “tư duy về tư duy” (thinking about thinking). Nó có một quy trình thiết yếu để xác định các chiến lược tốt nhất cho việc học tập và giải quyết vấn đề, cũng như biết khi nào nên áp dụng các chiến lược này.
Phát triển kỹ năng siêu nhận thức · Dành thời gian để tự phản tư (self-reflection). Ghi nhật ký có nhiều lợi ích. Ngoài nhiều lợi ích về sức khỏe, nó còn là một công cụ tốt cho siêu nhận thức. Cho dù là đánh giá hàng tuần hoặc hàng tháng, hãy dành thời gian và đánh giá trung thực sự tiến bộ, kỹ năng của mình. · Sử dụng “tư duy cấp độ hai” (second-level thinking) để đưa ra quyết định. Thay vì ngay lập tức nhảy đến kết luận rõ ràng, dễ đạt nhất, hãy sử dụng tư duy cấp độ hai bằng cách tự hỏi: điểm mù tiềm năng trong nhận thức của mình là gì? Tôi đang thiếu thông tin gì? Loại bỏ tín hiệu từ nhiễu và sử dụng các mô hình tư duy (mental model) để kiểm tra các giả định của bạn. · Ghi chú thông minh: Rất dễ nhận thấy những lỗ hổng trong kiến thức của chúng ta khi chúng ta có cách hình dung kiến thức của mình. Bằng cách xây dựng thói quen ghi chép, bạn sẽ có thể xác định các kiểu suy nghĩ và “lối tắt tinh thần” (mental shortcuts) dễ dàng hơn. Cá nhân tôi sử dụng Notion hay Evernote để ghi chú, nhưng có nhiều lựa chọn bạn có thể sử dụng (Google Keep, OneNote,…) · Hãy nhận thức về những thành kiến nhận thức (cognitive biases), có thể che mờ phán đoán của bạn. Chẳng hạn, thiên kiến xác nhận (confirmation bias) có thể củng cố hiệu ứng Dunning - Kruger bằng cách biến suy nghĩ mong muốn của mình thành niềm tin thực tế, tin vào điều mà mình muốn tin và bỏ qua các quan điểm khác. Tìm hiểu về những thành kiến nhận thức và suy ngẫm về những thành kiến của chính bạn khi bạn nhận thấy chúng xuất hiện. |