Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
|
Đó là trao đổi riêng với PV của ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại Diễn đàn về Kinh tế ASEAN, Doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN, vừa diễn ra ngày 25/6. Diễn đàn hướng tới làm rõ hơn những hiểu biết về việc tận dụng cơ hội từ năm Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN 2020, khai thác hiệu quả các cam kết và thỏa thuận đã ký, môi trường kinh doanh rộng mở ở khu vực.
“Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức ra được việc chuyển đổi số sẽ tiết kiệm chi phí, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Cùng với đó, các đơn vị tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số cũng chưa chỉ ra được những lợi ích thiết thân mà doanh nghiệp nhận được sau khi chuyển đổi.
Hơn nữa, số lượng đơn vị tư vấn chuyển đổi số cũng chưa nhiều, sức cạnh tranh khiến các doanh nghiệp chuyển đổi số chưa mạnh. Và đặc biệt, việc tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số cũng chưa thực sự hấp dẫn” - ông Tô Hoài Nam nhận định.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Chí Hiển.
|
Về việc hiện thực hóa tinh thần “Gắn kết” của ASEAN, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, một trong những việc cần làm là thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác.
Ông Tan Weining - Phó Đại sứ Singapore tại Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là phải làm sao chuyển đổi thật nhanh mô hình sản xuất, kinh doanh để thích ứng với môi trường mới. Xu thế tất yếu và hiệu quả đang được ứng dụng mạnh mẽ trên thế giới chính là công nghệ thông tin. Đây là chìa khóa giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục tồn tại và tạo ra lợi nhuận, trong khi chi phí chuyển đổi lại không quá đắt đỏ. |
Ông Tô Hoài Nam cũng nêu rõ về hai lĩnh vực thế mạnh của các nước ASEAN: Sản phẩm nông sản miền nhiệt đới và du lịch.
Về sản phẩm nông sản nhiệt đới, bên cạnh các thị trường truyền thống của mỗi nước, bản thân thị trường các nước ASEAN với nhau cũng còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nông nghiệp công nghệ cao đã được thực hành ở hầu hết các quốc gia ASEAN, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của miền nhiệt đới sẽ được thúc đẩy tìm đến các thị trường mới.
Riêng về thị trường du lịch, đây là ngành kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Trong khi đó theo thống kê của Hội đồng Du lịch thế giới, khách du lịch đóng góp tới 13% GDP của khu vực Đông Nam Á năm 2018, cao thứ hai chỉ sau khu vực Caribbe. Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ USD doanh thu khu vực trong năm 2018.
Với tầm quan trọng như vậy, việc các nước ASEAN phối hợp hành động để từng bước mở cửa lại thị trường du lịch sẽ có tác động rất lớn đến sự phục hồi của thị trường tại từng nước ASEAN cũng như thị trường khu vực và đón đầu sự phục hồi của thị trường quốc tế.
Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, dịch vụ các sản phẩm du lịch phần nhiều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các doanh nghiệp lớn với vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để cùng vượt qua khó khăn.
Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thành công Ông Nguyễn Trung Chính - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC - nhận định, nếu ai nhận thức sớm, triển khai nhanh quá trình chuyển đổi số thì thành công càng đến sớm. Trong tháng 01/2020, dựa trên những nhu cầu cấp thiết từ chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho nhu cầu chuyển đổi số một cách nhanh chóng, dễ dàng ứng dụng cho quy mô nhỏ và siêu nhỏ; Câu lạc bộ chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa CHUDOSO đã được thành lập dưới sự tham gia của trên 20 thành viên sáng lập. Mục tiêu của Câu lạc bộ là xây dựng bản đồ chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác sức mạnh số nhanh hơn, mạnh hơn, trở thành đòn bẩy lớn giúp DN có thể bứt tốc, vượt qua các cây đại thụ - doanh nghiệp “lão làng” trong ngành. |