|
Khởi nghiệp cần nguồn vốn, chính sách, môi trường và sự tư vấn từ các chuyên gia và tham khảo các mô hình đã thành công trước đây |
Gọi vốn từ ý tưởng trên giấy?
Đối với một cá nhân khởi nghiệp, điều quan trọng nhất là nguồn vốn. Nhưng để kêu gọi được nguồn vốn, họ cần có một sản phẩm, một công nghệ có thể thuyết phục được nhà đầu tư. Dù sản phẩm ấy vẫn “nằm trên giấy” hay đã thành hình, thì nó phải mang tính sáng tạo, khác biệt hẳn với các sản phẩm, công nghệ hiện có ngoài thị trường. Nhưng liệu một sản phẩm mới chỉ ở mức ý tưởng có thể thuyết phục được các nhà đầu tư?
Trong buổi gọi vốn đầu tư cho dự án khởi nghiệp của mình mới được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 29/9, nhóm tác giả do thạc sỹ Nguyễn Đức Minh, chuyên gia khoa học dữ liệu, Đại học John Hopkins đại diện đã giới thiệu dự án “Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh”. Đây là một dự án rất tham vọng bởi những người khởi nghiệp cần phải thu thập được một khối lượng dữ liệu khá lớn và sử dụng thuật toán AI để kết xuất đầu ra.
Điểm mạnh của nhóm tác giả dự án là họ đã quy tụ được một số chuyên gia CNTT đang làm việc tại các hãng công nghệ lớn trên thế giới, chẳng hạn như Thạc sỹ Lê Thái Dũng - Giám đốc nghiên cứu châu Á của WorldQuant, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đông Anh - chuyên gia phần mềm của Google, Thạc sỹ Lê Quang Dũng - Giám đốc quản lý dự án thông tin FPT Software, hay Tiến sỹ Lê Hoàng Đức - Đại học Michigan, chuyên gia AI của Google.
Đối tượng khách hàng mà dự án hướng tới là các công ty, các doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo cần có nhu cầu tiếp thị, tuyển dụng nhân lực. Khi nhận được nguồn kết xuất đầu ra của dự án, các công ty có thể dễ dàng chọn lựa các nhân sự thích hợp, các trung tâm đào tạo có thể chọn lựa được học sinh phù hợp với tiêu chí của mình.
Khi được một nhà đầu tư hỏi nhóm dự án sẽ thu thập dữ liệu từ nguồn nào, các trường học hay trên Facebook? Đại diện nhóm dự án cho biết trước tiên họ sẽ “nhờ” Đại học Quốc gia cung cấp dữ liệu. Đối với nguồn dữ liệu trên Facebook, nhóm đánh giá là quá ít ỏi để có thể thu thập, xử lý. Về mặt công nghệ, nhóm dự án của anh hoàn toàn làm chủ được. Nếu như Google, Microsoft có những công nghệ có thể thu thập dữ liệu và phân tích đạt độ chính xác 95%, thì nhóm của anh cũng có khả năng đạt khoảng 88%. Tuy nhiên về mặt nguồn dữ liệu thì đúng là nhóm còn vướng mắc.
Một nhà đầu tư khi nhận xét về dự án này đã cho rằng cách tiếp cận của họ chưa mang tính thị trường. Họ muốn đưa ra sản phẩm theo thế mạnh của mình mà chưa có sự nghiên cứu đầy đủ thị trường. Phải có cơ chế cho đơn vị sẵn sàng chia sẻ cơ sở dữ liệu, họ sẽ được gì khi cung cấp dữ liệu cho dự án?. Một nhà đầu tư khác nói rằng dự án này có ý tưởng hay, nhưng khó khả thi vì dữ liệu họ kết xuất ra là dữ liệu tương lai của các học sinh, sinh viên, mà đã là tương lai thì khó đoán định trước được.
Khi ý tưởng đã trở thành sản phẩm trong phòng thí nghiệm
Một dự án khác được trình bày tại chương trình gọi vốn do Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (ĐH Quốc gia HN) tổ chức, có nội dung: “Sản xuất BioSAP từ phụ phẩm nông nghiệp”. SAP là một loại polyme siêu ngậm nước, có khả năng hút được một lượng nước gấp nhiều lần khối lượng của nó. Tuy nhiên SAP có nhược điểm là không phân hủy sinh học. Khi xả ra môi trường sẽ tạo ra các polyme không phân hủy.
Chính vì vậy mà trên thế giới người ta đã tạo ra BioSAP là các hạt SAP sinh học có khả năng phân hủy để bảo vệ môi trường. Nhu cầu tiêu thụ BioSAP là rất lớn khi nó được dùng để chế tạo các loại bỉm, tã trẻ em, các sản phẩm dùng một lần, ứng dụng trong dược phẩm và trong nông nghiệp khi hạt SAP có thể cung cấp 50-70% lượng nước cho cây.
Hiện nay BioSAP đang được tổng hợp từ hai nguyên liệu là tinh bột và cellulose. Các phụ phẩm nông nghiệp giàu cellulose có rơm rạ, vỏ dừa, lõi ngô, bã mía, vỏ chanh leo và lá dứa. Như vậy nguồn cung để tạo ra BioSAP có rất nhiều tại các địa phương làm nông nghiệp ở Việt Nam.
Nhóm tác giả dự án – gồm các giảng viên của khoa Hóa – ĐH Khoa học Tự nhiên dự định trong giai đoạn đầu sẽ thu mua lá dứa ở Ninh Bình để chế tạo BioSAP. Hiện nay vùng trồng dứa ở Ninh Bình có diện tích khoảng 40 nghìn hecta. Việc thu mua này có hai cái lợi: thứ nhất là giúp người nông dân có thêm tiền từ việc bán lá dứa, thứ hai là giúp họ không phải tìm cách tiêu hủy hàng “núi” lá dứa sau khi thu hoạch. Trước đây người nông dân phải mua máy băm lá dứa, sau đó chôn xuống đất cho phân hủy. Về sau, để đẩy nhanh tiến độ phân hủy lá dứa, người nông dân đã sử dụng thuốc diệt cỏ (trong thành phần có chứa dioxin rất độc hại).
Nhóm dự án cho biết họ cần một lượng vốn đầu tư ban đầu cho máy móc thiết bị khoảng 8 tỷ đồng để có thể sản xuất thử nghiệm ở quy mô nhỏ, với 100 kg BioSAP/mẻ, một ngày 3 mẻ. Nếu sản xuất ổn định với quy mô này thì có thể đem lại doanh thu 7 tỷ đồng/năm. Hiện nay trên thế giới nhu cầu về hạt SAP rất cao. Một công ty sản xuất SAP của Nhật Bản cũng mới đầu tư xây dựng một nhà máy rất lớn tại Đức. Nhóm dự án hy vọng rằng có thể tạo ra được một thương hiệu BioSAP của Việt Nam.
Đánh giá về dự án này, một nhà đầu tư cho rằng dự án có tính khả thi rất cao, đồng thời có thêm 3 điểm cộng, đó là: sản phẩm có khả năng xuất khẩu, bảo vệ môi trường và vốn đầu tư ban đầu thấp. Điều quan trọng là sản phẩm đã được sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm.
Cần một sản phẩm hữu hình
Trong một bài tham luận tại hội thảo quốc tế Vietnam Startup 4.0 được tổ chức hôm 6/9, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa HN cho rằng khởi nghiệp không chỉ là một ý tưởng. Nếu như cách đây vài năm người ta cho rằng khởi nghiệp chỉ cần một ý tưởng, thì bây giờ ở Silicon Valley người ta nói rằng ý tưởng chỉ là thứ “rẻ” nhất.
Khởi nghiệp là phải có sự sáng tạo. Nếu một cá nhân đã có vốn, có môi trường, có chính sách hỗ trợ, có lời tư vấn của những người đi trước, nhưng không có sản phẩm, anh ta sẽ khởi nghiệp sáng tạo bằng cái gì, phải chăng chỉ bằng một ý tưởng thôi? Rõ ràng, người khởi nghiệp cần có sản phẩm hữu hình. Có thể đó chưa phải là một sản phẩm thương mại hóa, nhưng nó phải là sản phẩm từ nghiên cứu, từ đổi mới sáng tạo. Chỉ có ý tưởng thôi thì chưa đủ. Minh chứng rõ ràng nhất chúng ta có thể thấy Google đi lên từ sản phẩm máy tìm kiếm, Facebook phát triển nhờ công nghệ liên kết dữ liệu lớn, Uber cũng dựa trên công nghệ cơ sở dữ liệu lớn.
Tóm lại, không phải dự án khởi nghiệp nào cũng thành công. Ở Mỹ, trong 10 dự án khởi nghiệp thì chỉ có 1-2 dự án hoạt động tốt. Và để khởi nghiệp thành công, yếu tố quan trọng bên cạnh nguồn vốn chính là một công nghệ, một sản phẩm hữu hình mang tính sáng tạo. Sự sáng tạo cũng chính là yếu tố để phân biệt một người khởi nghiệp và một người lập nghiệp đơn thuần.