Câu hỏi trên được CEO Đỗ Hoài Nam, Đồng sáng lập UP-Co Working Space nêu lên tại “Tọa đàm Chính sách quy hoạch giao thông trong kỷ nguyên số - Góc nhìn của các nhà kinh tế” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ( VEPR) tổ chức diễn ra vào ngày 8/9.
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, khoa học công nghệ đang làm thay đổi mọi mặt cuộc sống, riêng trong giao thông, việc xuất hiện loại hình xe hợp đồng điện tử, điển hình là Grab, Uber, đang đặt ra yêu cầu cơ quan chức năng phải có cơ chế quản lý mới về loại hình dịch vụ này.
Theo ông Thành, Uber/Grab là loại hình xe hợp đồng điện tử, không thuộc nhóm 5 loại hình taxi trong luật quy định hiện nay, vì vậy nếu như nhà quản lý và người tham gia soạn thảo chính sách không phân biệt rõ ràng thì sẽ dẫn đến nhầm lẫn, "thực tế là cái cốc nhưng lại nhìn như cái đĩa và có những chính sách thiếu phù hợp đối với loại hình này", ông Thành dí dỏm.
“Nhiều nhà quản lý địa phương đã có suy nghĩ Uber, Grab giống như taxi và đây là một hãng taxi, nếu phát triển quá nhanh thì cần có điều tiết nên có khuynh hướng đưa ra giới hạn với Uber, Grab, thậm chí có địa phương có chính sách cấm loại hình này như Đà Nẵng, phải chăng đang ứng xử với cái cốc như cái đĩa?”, ông Thành đặt ra câu hỏi.
Ngoài ra, một số nhà quản lý cho rằng Uber, Grab chính là tác nhân gây ra tắc đường, Trong khi đó, với mỗi khách hàng sử dụng Grab, Uber, đồng nghĩa với việc họ đã từ bỏ một phương tiện vận chuyển quen thuộc, có thể là xe máy, ô tô… đồng nghĩa với việc mật độ xe lưu thông trên đường giảm, giúp đỡ ùn tắc giao thông.
Nhận định thêm về việc hạn chế Uber, Grab, TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nghi ngờ rằng có lợi ích riêng trong việc này.
Dẫn chứng từ việc Chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẵn sàng nêu tên các quan chức chống lưng cho bia hơi vỉa hè, ông Vinh cho rằng có lợi ích của các hãng taxi truyền thống có ảnh hưởng đến một số nhà cầm quyền nên mới có những chính sách hạn chế này.
T.S Phạm Thế Anh cũng cho rằng, rõ ràng giá cước của Uber, Grab thấp hơn giá cước taxi truyền thống, vậy giữa cơ quan quản lý và taxi truyền thống có liên quan lợi ích gì mà cơ quan quản lý ra các điều kiện kinh doanh để bảo hộ taxi truyền thống, quay lưng lại với người tiêu dùng?
Thực tế, các diễn giả đều nhận định, Grab, Uber là loại hình dịch vụ ứng dụng công nghệ nên có ưu thế vượt trội so với taxi truyền thống, vì vậy, việc hạn chế Grab, Uber là điều không khả thi.
“Chính phủ có rất nhiều nguồn lực để thực hiện một chính sách nào đó, nhưng với Grab, Uber, cần cân nhắc lợi hại trước khi quyết định hạn chế hay không. Tôi cho rằng, việc hạn chế, hay cấm Grab, Uber như ở Đà Nẵng, nếu Chính phủ quyết tâm, sẽ làm được nhưng hiệu quả không cao và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến cho thị trường, nhà nước và xã hội”, TS. Đặng Quang Vinh cho biết.
Đấy là chưa kể, Grab, Uber đang tối ưu hóa được nguồn lực xã hội, giúp tài xế có thêm thu nhập và hành khách được sử dụng dịch vụ với giá rẻ hơn so với taxi truyền thống nhờ ứng dụng khoa học công nghệ làm giảm chi phí.
“Chính taxi truyền thống, một mặt ra sức kêu than về dịch vụ Grab, Uber, một mặt lại đang vận động để cho ra các ứng dụng tương tự”, ông Vinh cho biết thêm.
Như vậy, có thể thấy, sử dụng dịch vụ của Uber, Grab là xu hướng không thể cưỡng lại được.
Hơn nữa, Grab, Uber là loại hình ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi đó Chính phủ đang kêu gọi thúc đẩy CMCN 4.0. Như vậy, “nếu chúng ta từ chối Uber, Grab hay cho phép địa phương thiết lập rào cản với loại hình này sẽ phát đi thông điệp vô hình chung chung, nói áp dụng khoa học công nghệ nhưng thực tế không làm được. Đó sẽ là thông điệp không chỉ với ngành vận tải mà còn các ngành khác nữa”TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân quan ngại.
Trước những thực tế trên, T.S Phạm Thế Anh đã đặt câu hỏi: Hiện các cơ quan quản lý nhà nước đang loay hoay đặt các điều kiện kinh doanh đối với Grab, Uber, tại sao chúng ta lại không yêu cầu các hãng taxi truyền thống phải sử dụng những công nghệ mới để giảm chi phí, tối ưu nguồn lực xã hội như Uber?
Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ như tại Grab, Uber là hợp với chính sách chung của Đảng và Nhà nước, về một nền kinh tế không dùng tiền mặt, về việc tận dụng khoa học công nghệ để tiến lên cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, “đã đến lúc các nhà quản lý chính sách phải khuyến khích chính quyền địa phương hạn chế taxi truyền thống để đẩy mạnh mô hình ứng dụng công nghệ này”, CEO Đỗ Hoài Nam nói.