Hezbollah sử dụng tên lửa chống tăng tiên tiến của Iran tấn công quân đội Israel

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –Ngày 26 và 29/1/ 2024, nhóm Hezbollah Lebanon công bố video, cho thấy nhóm chiến binh sử dụng tên lửa chống tăng dẫn đường Almas-1 (ATGM) thế hệ thứ 3 của Iran tấn công vào vị trí của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).

Theo trang Army Recognition, tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển Almas (ATGM) được trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp truyền hình và ảnh nhiệt. Các video là minh chứng cho thấy, Hezbollah đã được cung cấp một số tên lửa chống tăng Almas của Iran.

Video được công bố đầu tiên ngày 26/1/ 2024, ghi lại cảnh tên lửa tấn công mục tiêu là mái vòm bảo vệ che chắn radar hoặc thiết bị vô tuyến tại một vị trí quân sự của Israel ở thị trấn Jal el-Allam, gần biên giới Lebanon-Israel.

Lực lượng Hezbollah sử dụng tên lửa chống tăng dẫn đường Almas-1 tấn công đài radar của quân đội Israel. Video IWS News

Các chiến binh Hezbollah Lebanon tuyên bố đã sử dụng "loại tên lửa đặc biệt" tấn công thiết bị của Israel trên khoảng cách hơn 2,5 km.

Tổ hợp vũ khí này được cho là bản sao chép của tên lửa chống tăng Spike ER của Israel. Đây cũng là lần đầu tiên cho thấy, nhóm vũ trang Hezbollah sử dụng một hệ thống tên lửa chống tăng bắn ngoài tầm nhìn (NLOS) trong thực tế chiến đấu.

Ngày 29/1/2024, Hezbollah công bố một video khác, cho thấy Hezbollah có trong kho vũ khí một số ATGM Almas-1 của Iran. Video mới ghi lại cảnh các chiến binh Hezbollah thực hiện cuộc tấn công gần Ras Naqura, phóng tên lửa Almas-1vào một radar của Israel.

almas-missile02-4860.jpg
almas-missile03-5387.jpg
Hệ thống tên lửa chống tăng Almas với bệ phóng tên lửa trên mặt đất. Ảnh IWS News
almas-missile05-3628.jpg
Hệ thống tên lửa chống tăng Almas với bệ phóng tên lửa trên không. Ảnh IWS News
almas-missile04-2671.jpg
Tên lửa chống tăng Almas -1. Ảnh IWS News
almas-missile06-4131.jpg
3 biến thể tên lửa chống tăng lần lượt là Almas-1, Almas-2 và Almas-3. Ảnh IWS News

Hệ thống tên lửa Almas có 3 biến thể Almas-1, Almas-2 và Almas-3, một biến thế được thiết kế để phóng từ trên không, được tích hợp vào trực thăng chiến đấu và các phương tiện bay không người lái (UAV), được gọi là Almas-3 và biến thể phóng trên mặt đất, trang bị bệ phóng di động được gọi là Almas-1 và Almas-2. Nguyên mẫu ATGM Almas-1 được giới thiệu công khai tháng 7/2021.

Tên lửa Almas-1:

Tên lửa Almas-1 tương tự tên lửa chống tăng Spike LR của Israel về thiết kế và thông số kỹ thuật. Almas-1 sử dụng bốn vây đuôi điều khiển và 4 cánh ổn định. Tên lửa Almas được trang bị động cơ phản lực nhiên liệu rắn. Tên lửa sử dụng bộ tìm kiếm quang ảnh và cáp quang để phát hiện, khóa và tiêu diệt mục tiêu. Tên lửa nặng 15 kg, có tầm bắn 4000 mét.

Tên lửa Almas-2:

Tên lửa Almas-2 là phiên bản nâng cấp hơn của tên lửa Almas-1, có tầm bắn đến 8.000 mét khi phóng trên mặt đất. Tên lửa này có khả năng xuyên giáp đồng chất dày 1000 mm. Tương tự như Almas-1, tên lửa có thể được phóng từ trên không.

Tên lửa Almas-3:

Tên lửa Almas 3 là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa Almas. Almas-3 có kích thước lớn hơn Almas-1 và 2, có cấu trúc tương tự tên lửa Spike ER. Almas-3 có tầm bắn khoảng 10 km. Tên lửa có thể được trang bị bộ phận dẫn đường quán tính INS hỗ trợ GPS, tìm kiếm mục tiêu quang ảnh điện tử và quang hồng ngoại, đầu đạn kép tandem hiệu ứng nổ lõm nổ phá mạnh hoặc nhiệt áp. Đầu đạn có khả năng xuyên giáp đồng chất dày 1000 mm. Nếu thay thế đường truyền tín hiệu cáp quang bằng truyền tín hiệu không dây vô tuyến và phóng từ máy bay trực thăng hoặc UAV, Almas-3 có tầm bắn khoảng 16 km.

Tên lửa dẫn đường chống tăng Almas của Iran (ATGM) được gọi là ATGM thế hệ thứ 3. Tất cả các ATGM thế hệ thứ 3 sử dụng đầu tự dẫn bán chủ động laser, đầu tìm kiếm quang điện tử hồng ngoại (IIR) hoặc radar băng tần W, lắp đặt ở mũi tên lửa.

Sau khi đã xác định mục tiêu, tên lửa sẽ theo dõi mục tiêu trong suốt hành trình không cần xạ thủ hướng kính ngắm vào mục tiêu, được gọi là chế độ "bắn và quên". Xạ thủ có thể rời khỏi vị trí bắn sau khi phóng tên lửa. Nhưng ATGM Iran sử dụng chế độ “bắn và quên” điều khiển vô tuyến, dễ bị đối phương sử dụng các biện pháp tác chiến điện tử ngăn chặn, làm lệch hướng hơn so với ATGM điều khiển theo đường ngắm thủ công (MCLOS) hay điều khiển theo đường ngắm bán chủ động (SACLOS).

Các ATGM thế hệ thứ ba đều được trang đầu đạn chống tăng sức nổ mạnh, hiệu ứng nổ lõm (HEAT), được thiết kế đặc biệt để xuyên giáp đồng chất hơn 600 mm. Một số tên lửa lắp đặt đầu đạn nổ lõm kép để phá hủy giáp phản ứng nổ (ERA), một số tên lửa chống tăng khác được thiết kế để tấn công từ trên xuống tháp pháo, nơi giáp mỏng hơn như tên lửa chống tăng PARS 3 LR của Đức, FGM-148 Javelin của Mỹ, HJ-12 của Trung Quốc và Spike của Israel.

Theo Army Recognition