Hết năm 2016, bội chi quỹ bảo hiểm y tế có thể lên tới 5.000 tỷ đồng

VietTimes -- Tính đến tháng 8 năm 2016, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 37 tỉnh, thành phố đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng, và dự kiến năm nay tổng số bộ chi quỹ này sẽ lên đến 5000 tỷ đồng.
Cuối năm nay bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế có thể lên tới 5 nghìn tỷ đồng- (Ảnh minh họa).

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp để quản lý hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm xã hội” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Theo BHXH Việt Nam, nửa đầu năm 2016, cả nước có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt kế hoạch được giao. Quỹ khám chữa bệnh đã chi 28 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến tháng 8 năm nay, quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 37 tỉnh, thành phố đã bội chi hơn 3 nghìn 400 tỷ đồng và dự kiến năm nay tổng số lên đến 5000 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được xác định là do hành vi lạm dụng, trục lợi của người có thẻ BHYT và các cơ sở khám chữa bệnh.

Trước tình hình trên, ngày 29/8, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc rà soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi nhằm sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHYT. 

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, thời gian tới, sẽ có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn những hành vi trục lợi bảo hiểm y tế, phấn đấu trước năm 2017, mức đóng bảo hiểm y tế sẽ chưa phải thay đổi và hạn chế phần nào những khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân.

Đồng thời, ông Sơn cho biết thêm, thành phố Hà Nội đang thí điểm triển khai hệ thống giám định điện tử bảo hiểm y tế và quyết toán trong quý 3 này. Dự kiến, hệ thống sẽ được đưa vào vận hành trên toàn quốc từ ngày 1/1/2017. Đây là công cụ hữu hiệu giúp BHXH Việt Nam cũng như ngành y tế quản lý quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả, minh bạch và độc lập.

Các cơ sở khám chữa bệnh ngoài việc kết nối với cổng tiếp nhận của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phải thực hiện liên thông dữ liệu hàng ngày đối với bệnh nhân. Như vậy sẽ quản lý được lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, ngăn chặn được tình trạng 1 ngày khám 2- 3 lần và 1 tuần khám nhiều nơi, trùng đơn thuốc, trùng dịch vụ kỹ thuật... dẫn tới tiết kiệm đáng kể chi phí.