Được khởi động tháng 3, dự án đầu tư Cơ sở Hạ Tầng Quốc phòng (Joint Enterprise Defense Infrastructure) hay còn được biết với tên JEDI là bản hợp đồng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây quy mô lớn, trong vòng 10 năm cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Tới tháng 7, Lầu Năm Góc mở thầu JEDI với trị giá ước tính lên tới 10 tỷ USD. Dự án đã thu hút nhiều đại gia trong giới công nghệ bao gồm Amazon, Google, Microsoft, IBM và Oracle...
Mặc dù không bị kịch liệt phản đối như Project Maven, dự án ứng dụng AI cho máy bay không người lái UAV, nhưng Google vẫn buộc phải chủ động rút lui bởi phản ứng gay gắt trong nội bộ tuần qua. Một bức thư ngỏ đăng tải trên trên trang Medium “chỉ vài giờ sau khi đến hạn nộp hồ sơ thầu cho dự án JEDI”, được xác định từ nhân viên của Microsoft, đã tiết lộ công ty đang sốt sắng tìm cách thế chân Google giành lấy bản hợp đồng béo bở này.
Nhân viên này cho biết gia nhập Microsoft với “kỳ vọng rằng công nghệ mà chúng tôi xây dựng sẽ không gây hại hoặc đau khổ cho con người”. Họ cũng cáo buộc Microsoft đã phản bội “nguyên tắc trí tuệ nhân tạo” để theo đuổi “lợi nhuận ngắn hạn”. Đồng thời đề xuất các giám đốc điều hành công ty nên “công bằng, đáng tin cậy và an toàn, riêng tư và bảo mật, minh bạch và trách nhiệm” trong mục đích sử dụng công nghệ.
Bức tâm thư của các nhân viên Microsoft cho rằng dự án Jedi “thực sự làm tăng tính hủy diệt bộ phận của chúng tôi” và yêu cầu ý kiến phản hồi của Giám đốc Quản lý Bộ Quốc phòng John H. Gibson II.
Bức thư ngỏ của nhân viên Microsoft đăng tải trên trang Medium. Ảnh: Medium
|
Trích từ bức thư ngỏ của Microsoft trên Medium:
“Chúng ta cần cân nhắc JEDI theo quan điểm đây là dự án bí mật có trị giá 10 tỷ USD với tham vọng xây dựng một lực lượng quân sự “có tính sát thương lớn hơn” cho Chính quyền Trump. Các nhân viên Google đã phản ứng sự hợp tác này, khiến công ty phải hành động. Và chúng tôi cũng vậy.
Vậy chúng tôi xin hỏi, Nguyên tắc AI của Microsoft là gì, đặc biệt khi sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cho mục đích bạo lực. Làm thế nào để các nhân viên, người xây dựng và duy trì dịch vụ, biết liệu công việc của chúng tôi có đang phục vụ cho mục đích theo dõi, giám sát hay giết chóc?
… Quyết định theo đuổi dự án JEDI của Microsoft đã nhắc nhở về sự cần thiết ban hành nguyên tắc đạo đức rõ ràng, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.
Microsoft, xin đừng đấu thầu JEDI”.
Trả lời phỏng vấn của tờ Telegraph, phát ngôn viên của Microsoft cho biết: “Microsoft đã đệ trình hồ sơ thầu cho dự án JEDI vào ngày 12/10. Mặc dù không có cách xác minh tính xác thực của lá thư, nhưng chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên chia sẻ quan điểm của họ”.
Google từng phải chấm dứt Project Maven, dự án sử dụng công nghệ AI trên máy bay quân sự không người lái do tranh cãi về "Nguyên tắc AI". Ảnh: Gizmodo
|
Ban đầu, Bộ quốc phòng mong muốn tìm được một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây duy nhất cho toàn bộ quân đội Mỹ, để cải thiện từ tốc độ truyền tập tin cơ bản, tới phân tích hình ảnh giám sát và xử lý dữ liệu mã hóa dung lượng cao. Vì tất cả các hoạt động này sẽ được sử dụng để hỗ trợ chiến đấu nên nhân viên lo rằng nếu công ty chủ quản giành được hợp đồng JEDI, họ sẽ trở thành một phần của “cỗ máy chiến tranh”.
Ngoài vấn đề đạo đức, quá trình đầu thầu cho dự án JEDI cũng gây tranh cãi lớn tại Mỹ vì tính độc quyền. Cụ thể, ứng cử viên tiềm năng nhất: Amazon cũng là công ty đang sở hữu một hợp đồng điện toán đám mây khổng lồ cho CIA trị giá 600 triệu USD. Hiện các ông lớn khác tại Silicon Valley, bao gồm: Google, Microsoft, International Business Machines và Oracle đang muốn hợp tác để xé nhỏ gói thầu, nhằm phá bỏ vị thế độc tôn của Amazon trên thị trường công nghệ quốc phòng.
Theo Gizmodo