Tại buổi họp báo, ông Đào Mạnh Thắng - Cục phó Cục Thông tin KH&CN quốc gia - đã chia sẻ những thông tin mới nhất về quá trình thực hiện đề án Phát triển hệ tri thức Việt số hóa. Theo đó, ngày 18/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án này với mục tiêu xây dựng hệ tri thức tổng hợp bao gồm tri thức của thế giới và người Việt, thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời của người dân, tạo cơ hội cho người dân sử dụng, ứng dụng tri thức của nhân loại phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Theo ông Thắng, việc xây dựng hệ tri thức Việt số hóa phải thông qua nhiều khâu khác nhau, cần có mức độ xã hội hóa cao, huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ thanh niên tri thức nhằm khởi dậy trí sáng tạo, đóng góp cho nền tri thức của đất nước.
Sự thành công của đề án sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam, vốn đang tụt hậu so với thế giới - thông tin nhiều nhưng chủ yếu mang tính chất tin tức, giải trí, rất ít thông tin tri thức khoa học để người dân tiếp cận học hỏi và từ đó sáng tạo. Vì vậy, mục tiêu cao nhất của đề án là góp phần phát triển ngành công nghiệp nội dung số, từ đó định hướng sử dụng thông tin trên môi trường internet.
Sau khi quyết định phê duyệt đề án được ban hành, Bộ KH&CN - với vai trò là cơ quan đầu mối - đã gấp rút thành lập nhóm nòng cốt bao gồm các chuyên gia của bộ và của một số doanh nghiệp CNTT (doanh nghiệp có tiềm lực về công nghệ, hạ tầng mạnh để làm nền tảng chạy platform và doanh nghiệp mong muốn cống hiến cho cộng đồng). Mọi người dân có quyền khai thác, sử dụng miễn phí hệ tri thức này.
Sau 3 tháng hình thành, nhóm nòng cốt đã hoạt động dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã lên ý tưởng, thiết kế cho platform. Dự kiến platform gồm 4 phần.
Phần 1 là dữ liệu mở (dữ liệu được công bố công khai của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước. Đây hầu hết là dữ liệu thô, các doanh nghiệp bên ngoài có thể khai thác để tạo ra các ứng dụng khai thác phân tích dữ liệu, tạo ra giá tị gia tăng cho người dùng.
Phần 2 là cây tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, tận dụng dữ liệu từ thế giới và trong nước. Nhóm dự kiến sẽ huy động tri thức thanh niên tham gia vào việc Việt hóa tri thức của thế giới và bổ sung tri thức của người Việt theo một hệ thống được cấu trúc, tạo thuận lợi cho người dân học tập, nghiên cứu ở các trình độ khác nhau.
Phần 3 là ngân hàng hỏi đáp, cho phép đặt câu hỏi trong mọi lĩnh vực. Theo ông Thắng, điểm khác biệt của ngân hàng hỏi đáp này là sự liên thông kết hợp với các trang mạng xã hội, các diễn đàn về KH&CN đang hoạt động ở Việt Nam. Khi đó, khi người dùng đưa câu hỏi, hệ thống sẽ quét thông tin để đưa được câu trả lời có độ tin cậy, chính xác cao nhất.
Phần 4 là kho ứng dụng, cung cấp hệ thống công cụ, dịch vụ, cho phép doanh nghiệp startup sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, big data..., khai thác dữ liệu để đáp ứng yêu cầu của người dùng.
Đầu tháng 11, bản beta của hệ tri thức sẽ được hoàn thành và gửi cho các cộng đồng đánh giá, đóng góp dữ liệu. Đầu năm 2018,dự kiếnhệ tri thức Việt số hóa sẽ được khởi động để công chúng tham gia khai thác và đóng góp tri thức.
Theo Khoa học và Phát triển
http://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/he-tri-thuc-viet-so-hoa-du-kien-ra-mat-dau-nam-2018/20171005071828100p1c882.htm