Tháng 11/2020, Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ triển khai thi công gói thầu XL02 và XL04 của dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Trong đó, gói thầu XL02, thi công xây dựng đoạn Km154+000 - Km168+000, nút giao Chợ Lầu có tổng chiều dài 14 km thuộc địa bàn huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Nhà thầu thi công là liên danh CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty TNHH Nhạc Sơn và CTCP Hải Đăng. Giá trị trúng thầu của gói thầu là 899,5 tỉ đồng (giá gói thầu là 901,5 tỉ đồng).
CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, như VietTimes từng đề cập, là một nhà thầu xây lắp có tiếng tại đất Ninh Bình. Trong khi đó, CTCP Hải Đăng là nhà thầu quen mặt của tỉnh Tây Ninh, thuộc sở hữu của ông Thái Trường Giang (SN 1972).
Theo giới thiệu trên trang chủ, Hải Đăng cho biết có thế mạnh về xây dựng công trình, sản xuất kết cấu thép và cung cấp vật liệu xây dựng.
Tại tỉnh Tây Ninh, Hải Đăng đã tham gia xây dựng nhiều dự án, như: Khách sạn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Trụ sở chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; Trụ sở Ngân hàng TMCP BIDV Tây Ninh; Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh; Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh Tây Ninh; Nhà thi đấu thể thao tỉnh.
Công ty này còn thi công một số tuyến đường trọng điểm của tỉnh như: đường ĐT 794 (dài 17 km), đường ĐT 782-784 (dài 10 km), đường ĐT 788 (dài 21 km), đường Điện Biên Phủ (dài 4,3 km), đường 30/4, …
Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp (KCN), Hải Đăng là nhà thầu chính cho nhiều công trình có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại KCN Phước Đông (huyện Gò Dầu) và KCN Thành Thành Công (huyện Trảng Bàng), như: Nhà máy dệt của Công ty TNHH Xin Sheng (Việt Nam); nhà máy sản xuất sợi màu Brotex (Việt Nam); nhà máy sản xuất lốp xe ô tô Sailun (Việt Nam); nhà máy dệt vải màu 30 triệu mét của Công ty TNHH Luthai (Việt Nam); nhà xưởng Công ty TNHH Ningbo Changya Plastic (Việt Nam); ký túc xá Công ty TNHH Dệt may Rise Sun Hồng Kông (Việt Nam).
Trong giai đoạn 2015 - 2016, Hải Đăng cũng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực môi trường với việc thâu tóm CTCP Công nghệ môi trường Tây Ninh (chuyên xử lý rác thải) và trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 35% cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Tây Ninh (Mã CK: WTN). Tuy nhiên, năm 2018, Hải Đăng đã thoái toàn bộ vốn khỏi WTN.
Ngoài ra, Hải Đăng còn lấn sân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với nhà máy điện mặt trời Hoàng Thái Gia (công suất 50 MW, quy mô 58,5 ha, tổng vốn đầu tư 1.421,8 tỉ đồng) và nhà máy điện mặt trời Suối Ngô 1 (công suất 50 MW, quy mô 54 ha, tổng vốn đầu tư 1.414,7 tỉ đồng).
Hải Đăng làm ăn thế nào?
Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Hải Đăng (Hải Đăng) thành lập vào tháng 11/2008, trụ sở chính đóng tại số 9, đường QH6, đường Đặng Ngọc Chinh, phường 3, TP. Tây Ninh.
Tính đến cuối năm 2020, Hải Đăng có vốn điều lệ 200 tỉ đồng, trong đó, ông Thái Trường Giang sở hữu 99,4% vốn điều lệ; vợ ông Giang - bà Lê Thị Thu Vân sở hữu 0,3% vốn điều lệ.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu hàng năm của Hải Đăng đều đạt từ hàng trăm đến cả nghìn tỉ đồng, tuy nhiên lợi nhuận thu về lại rất khiêm tốn.
Các năm 2018 và 2019, Hải Đăng ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 1.417 tỉ đồng và 1.430 tỉ đồng, lãi sau thuế lần lượt ở mức 12,2 tỉ đồng và 12 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,87% và 0,84%. Trước đó, biên lợi nhuận các năm 2016 và 2017 lần lượt là 0,51% và 0,54%.
Trong giai đoạn trên, quy mô tài sản của Hải Đăng cũng tăng trưởng khá mạnh, đều đặn ở mức 2 chữ số.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Hải Đăng đạt 1.048 tỉ đồng, tăng 75% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu duy trì ở mức 224,3 tỉ đồng./.