Hé mở Hải Sơn Group của đại gia Trịnh Văn Hải

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hải Sơn Group hiện có cả chục công ty thành viên và công ty liên kết, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, khai thác, xây dựng khu công nghiệp và khu dân cư.
Ông Trịnh Văn Hải - Chủ tịch HĐTV Hải Sơn Group (Nguồn: Internet)
Ông Trịnh Văn Hải - Chủ tịch HĐTV Hải Sơn Group (Nguồn: Internet)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thế Kỷ tại xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Dự án này có quy mô hơn 119 ha, tổng vốn đầu tư 1.355 tỉ đồng, do Công ty TNHH Hải Sơn (Hải Sơn) làm chủ đầu tư.

Theo giới thiệu, Hải Sơn là công ty hạt nhân trong hệ sinh thái Hải Sơn Group, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc là vị doanh nhân người Việt gốc Hoa - ông Trịnh Văn Hải (SN 1966). Công ty này được thành lập vào đầu năm 2002, trụ sở chính đặt tại Ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hoà Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.

Tính đến tháng 3/2020, Hải Sơn có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng, trong đó ông Trịnh Văn Hải nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 60% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại tương đương 40% vốn điều lệ thuộc về bà Nguyễn Thị Thanh Hồng (SN 1966).

Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, hệ sinh thái của Hải Sơn Group hiện có cả chục công ty thành viên và công ty liên kết, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, khai thác, xây dựng khu công nghiệp và khu dân cư.

Doanh nghiệp này nổi danh tại Long An khi là chủ đầu tư một số dự án lớn như: Khu công nghiệp Hải Sơn (quy mô 460 ha, tổng vốn đầu tư 350 tỉ đồng), Khu công nghiệp Xuyên Á, Khu công nghiệp Hải Sơn - Đức Hòa Đông, Khu công nghiệp Đông Nam Á, …

Ngoài ra, Hải Sơn còn hợp tác với Tập đoàn Năm Sao phát triển dự án Five Stars Eco City có quy mô 420 ha (giai đoạn 1 là 220 ha, tổng vốn đầu tư 15.000 tỉ đồng); hợp tác cùng Thắng Lợi Group làm dự án khu dân cư Hải Sơn Galaxy.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, Hải Sơn liên tục mở rộng về quy mô. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Hải Sơn đạt 3.178 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.905 tỉ đồng, tăng gấp lần lượt 2,7 lần và hơn 5 lần so với cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, tỷ suất sinh lời của Hải Sơn cũng liên tục được cải thiện. Cụ thể, năm 2016 và 2017, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 613,8 tỉ đồng và 678 tỉ đồng, báo lãi sau thuế 28,6 tỉ đồng và 60,8 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 4,6% và 8,9%.

Doanh thu của Hải Sơn đạt đỉnh vào năm 2018 với 1.182 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 113,8 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 9,6%. Đến năm 2019, mặc dù doanh thu thuần giảm nhẹ xuống 923 tỉ đồng, song lãi sau thuế của Hải Sơn tăng gần gấp đôi lên đạt 226,7 tỉ đồng, biên lợi nhuận tăng mạnh lên mức 2 chữ số là 24,5%.

Về phần mình, Chủ tịch Hải Sơn - ông Trịnh Văn Hải còn đứng tên tại CTCP Hải Đông (đã ngừng hoạt động), CTCP Doanh nhân trẻ Long An và là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Long An.

Tháng 3/2017, ông Hải từng thế chấp nhiều sổ tiết kiệm với tổng giá trị 121 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) - chi nhánh Sài Gòn.

Cũng tại nhà băng trên, tháng 3/2017, cổ đông còn lại của Hải Sơn là bà Nguyễn Thị Thanh Hồng đã thế chấp 7 sổ tiết kiệm có tổng giá trị 94,2 tỉ đồng. Trước đó, tháng 5/2016, bà Hồng cũng thế chấp 2 thẻ tiết kiệm do Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - chi nhánh Bình Tân phát hành với tổng giá trị 30 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - chi nhánh Phú Lâm.

Tháng 10/2020, bà Nguyễn Thị Thanh Hồng còn thế chấp hàng loạt sổ tiết kiệm có kỳ hạn 13 tháng được phát hành bởi Kienlongbank - chi nhánh Sài Gòn, Kienlongbank - chi nhánh Long An và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - chi nhánh Tân Bình tại Eximbank - chi nhánh Bình Tân. Các sổ tiết kiệm này có tổng giá trị lên tới 344 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng hiện là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Ngọc Phong (Ngọc Phong) - công ty thành viên của Hải Sơn. Tháng 6/2020, Hải Sơn từng thế chấp 45,37 triệu cổ phần (phát hành ngày 19/11/2018) của Ngọc Phong tại Ngân hàng ACB - chi nhánh Chợ Lớn.

Trái ngược với Hải Sơn, trong giai đoạn 2016 - 2019, Ngọc Phong liên tục báo lỗ với lỗ sau thuế luỹ kế 4 năm lên tới hơn 100 tỉ đồng. Đỉnh điểm là năm 2018, công ty này báo lỗ sau thuế 86,9 tỉ đồng.

Gần nhất, năm 2019, Ngọc Phong ghi nhận doanh thu thuần đạt 78,7 tỉ đồng, báo lỗ sau thuế 5,8 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2019, quy mô vốn điều lệ của Ngọc Phong đạt 1.620 tỉ đồng - cao gấp 4,2 lần so với vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 385 tỉ đồng.

Cuối tháng 2/2020, Ngọc Phong nâng vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng lên 800 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu lúc này không được tiết lộ./.