|
Huawei bị tình nghi đánh cắp bí mật công nghệ robot thử nghiệm thiết bị của T-Mobile. Ảnh minh họa: Reuters |
Ngày 28.1, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành khởi tố người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu và một số cá nhân, tổ chức liên quan vì gian lận tài chính, lừa đảo qua phương tiện hữu tuyến và trộm cắp bí mật thương mại.
Hai bộ cáo trạng với 23 tội danh là động thái đáng chú ý nhất từ Mỹ, sau khi yêu cầu Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu hồi tháng 12. Trong đó, tòa án Seattle cáo buộc Huawei trộm cắp bí mật thương mại của T-Mobile từ năm 2012.
Cụ thể, T-Moblie đã chào hàng mẫu robot thử nghiệm thiết bị có tên “Tappy”. Robot này bao gồm một cánh tay robot có gắn kèm camera. Khi chạm vào màn hình điện thoại, hệ thống sẽ tự động ghi nhận khả năng phản hồi và phát hiện các lỗi phần mềm.
T-Mobile đã cân nhắc cấp phép sử dụng Tappy cho các nhà sản xuất thiết bị như Huawei, để họ có thể phát hiện ra lỗi ngay trong quá trình phát triển.
Vào năm 2012, công ty đã cho đội ngũ kỹ sư của đối tác tiềm năng quyền tiếp cận hạn chế và nghiên cứu Tappy trong Phòng thí nghiệm bí mật.
Tận dụng cơ hội này, các kỹ sư Huawei đã cố gắng thu thập hàng loạt thông tin về robot. Trong bộ cáo trạng, các công tố viên nhận định rằng Huawei dựa trên những dữ liệu “đánh cắp” từ Tappy để phát triển robot thử nghiệm riêng mang tên XDeviceRobot.
Bản cáo trạng mô tả các kỹ sư người Trung Quốc đã gây áp lực cho nhà mạng Mỹ để đánh cắp tối đa thông tin, ngược lại các kỹ sư người Mỹ tránh hành động như vậy.
Các kỹ sư của Huawei đã làm gì?
Đầu năm 2013, các kỹ sư Trung Quốc của Huawei đã gửi một danh sách câu hỏi về Tappy tới T-Mobile. Bản cáo trạng cho biết họ yêu cầu những đồng nghiệp người Mỹ chụp và gửi lại một số hình ảnh về robot.
Hành động của các kỹ sư người Trung Quốc của Huawei khiến mối nghi ngờ gia tăng nhanh chóng. Bản cáo trạng cho biết nhân viên chi nhánh Huawei tại Mỹ đã viết trong một bức e-mail: “Chúng tôi KHÔNG THỂ hỏi TMO [T-Mobile] bất kỳ câu hỏi nào về robot. TMO tỏ ra rất tức giận rất về những điều mà chúng tôi đã hỏi”.
Các kỹ sư người Trung Quốc của Huawei liên tục làm phiền các đồng nghiệp người Mỹ để biết thêm thông tin về Tappy cho đến tháng 3. 2013. Họ liên tục yêu cầu hình ảnh robot, số liệu đo đạc. Thậm chí, một kỹ sư người Mỹ của Huawei đã trả lời thẳng thừng là các kỹ sư Trung Quốc nên đặt câu hỏi cho nhà sản xuất Tappy, chứ không phải T-Mobile.
Cuối cùng, một nhân viên người Mỹ của Huawei đã đề nghị: “Tôi đề nghị trụ sở Huawei [tại Thâm Quyến] nên gửi một kỹ sư đến TMO để có trải nghiệm thực tế thông qua trực tiếp nghiên cứu hệ thống robot”. Kỹ thuật viên này nói thêm: “Tôi tin rằng điều này sẽ mang lại cho đội ngũ robot ở trụ sở Huawei nhiều lợi ích trong việc hiểu hệ thống robot của TMO [T-Mobile] từ phần cứng đến phần mềm, cũng như nguyên lý hoạt động”.
Tới đây, các kỹ sư người Mỹ của Huawei đã phải đặt ra quá nhiều câu hỏi gây khó chịu cho T-Mobile. Bên dưới là một đoạn trích từ bức e-mail:
|
Nguồn: Bộ Tư pháp Mỹ (US Justice Department)
|
"Một lần nữa, chúng tôi không thể thu được nhiều thông tin hơn về hệ thống robot của TMO từ TMO [T-Mobile]. Họ đã phàn nàn rất nhiều bởi chúng tôi đặt ra quá nhiều câu hỏi theo yêu cầu từ trụ sở Huawei. TMO nó với tôi rằng nếu chúng tôi đưa ra thêm những câu hỏi kiểu này nữa, thì họ sẽ cắt quyền tiếp cận Phòng thí nghiệm robot… TMO đã thiết lập một hệ thống an ninh bằng cách lắp đặt camera bên trong Phòng thí nghiệm robot. Tôi nghĩ rằng mọi người hiểu điều này có ý nghĩa như thế nào…Chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin cho trụ sở bởi vì chúng tôi chẳng thể thu thập thêm bất kỳ thứ gì từ TMO”.
Bất chấp T-Mobile thắt chặt giám sát, một kỹ sư người Trung Quốc của Huawei đã 2 lần đột nhập thành phòng công vào Phòng thí nghiệm Tappy. Mặc dù không được cấp phép, nhưng kỹ sư này đã lẻn vào nhờ sự trợ giúp của hai đồng nghiệp người Mỹ. Khi bị phát hiện, đội ngũ an ninh của T-Mobile đã yêu cầu anh ta rời khỏi khu vực bảo mật. Tuy nhiên, kỹ sư này đã quay trở lại ngay ngày hôm sau và lại bị phát hiện khi đang chụp ảnh và thu thập thông tin. Sau đó, kỹ sư thực hiện nhiệm vụ gián điệp người Trung Quốc đã được Huawei đưa về Đại lục.
Nghi ngờ nối tiếp nghi ngờ, T-Mobile đã thu hồi quyền tiếp cận Phòng thí nghiệm robot, và chỉ cho phép một kỹ sư người Mỹ của Huawei, được gọi tên trong bản cáo trạng là: “A.X.”, tiếp tục đánh giá Tappy. Huawei đã tiếp tục thúc giục A.X. gửi ảnh và thông tin.
Cáo trạng trích dẫn lời phản hồi của kỹ sư A.X.: “Không cần phải tiếp tục nhắc nhở tôi”.
Vào ngày 29.5.2013, sau khi Huawei Trung Quốc yêu cầu A.X. cung cấp số liệu đo đạc cánh tay Tappy, kỹ sư này đã lấy cắp một trong những cánh tay robot, nhét vào túi và ra khỏi Phòng thí nghiệm của T-Mobile. Khi nhà mạng Mỹ phát hiện thành phần bị mất, A.X. đã đem trả lại.
Bản cáo trạng buộc tội Huawei Trung Quốc đã dùng mọi biện pháp để che đậy liên hệ. Công ty khẳng định A.X. và kỹ sư người Trung Quốc đã “tự ý hành động” và sa thải cả hai nhân viên.
Huawei trả lời thế nào?
Trả lời phỏng vấn của Business Insider, Huawei cho biết toàn bộ vụ tranh chấp đã được giải quyết trong một vụ kiện dân sự và phủ nhận mọi hành vi sai trái.
“Huawei rất thất vọng khi biết được các cáo buộc chống lại công ty ngày hôm nay… Các cáo buộc trong bản cáo trạng trộm cắp bí mật thương mại của Quận Tây Washington đã là chủ đề của vụ kiện dân sự được giải quyết. Bồi thẩm đoàn tòa án Seattle cũng không phát hiện thiệt hại hay các hành động cố ý vi phạm quy định về bí mật thương mại”. “Huawei phủ nhận rằng công ty, công ty con hoặc chi nhánh đã thực hiện bất kì hành động vi phạm luật pháp Mỹ, được nêu ra trong mỗi bản cáo trạng… và tin rằng tòa án Mỹ cuối cùng sẽ đưa ra kết luận tương tự. |