Hé lộ tài chính nhóm Hưng Hải Group

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hệ sinh thái của đại gia Trần Đình Hải – Chủ tịch HĐQT Hưng Hải Group – có cả chục công ty, hoạt động trong nhiều lĩnh vực "hot". Nhiều thành viên có tài sản lớn, lên tới cả nghìn tỷ đồng, đem về doanh thu nhiều trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng lại chỉ ghi nhận mức lợi nhuận rất khiêm tốn, thậm chí báo lỗ.
Văn phòng Hưng Hải Group. (Nguồn: Internet)
Văn phòng Hưng Hải Group. (Nguồn: Internet)

Xuất phát điểm là một nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, đến nay CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) đã trở thành tập đoàn đa ngành lớn mạnh.

Theo đó, “hệ sinh thái” của ông Trần Đình Hải – Chủ tịch HĐQT Hưng Hải Group – đã được mở rộng ra cả chục doanh nghiệp lớn nhỏ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như quản lý, khai thác mỏ đất hiếm, xây dựng hạ tầng, thủy điện và năng lượng tái tạo, mà Hưng Hải Group được xem như hạt nhân.

Như VietTimes từng đề cập, Hưng Hải Group được thành lập vào cuối năm 2008, hoạt động đầu tư kinh doanh tích cực tại các tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai.

Tính đến tháng 10/2016, tập đoàn này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó ông Trần Đình Hải góp đến 190 tỷ đồng, tương đương 95% vốn. Phần vốn còn lại được sở hữu bởi 2 cổ đông cá nhân là ông Vũ Quang Tường và bà Trần Thị Hiền, mỗi người nắm giữ 2,5% vốn điều lệ. Vị trí Tổng giám đốc hiện do ông Đào Hùng Cường (SN 1980) đảm nhiệm.

4 năm trở lại đây, doanh thu của Hưng Hải Group đạt khá khiêm tốn - chỉ vài chục tỷ đồng mỗi năm. Bởi vậy, công ty cũng chỉ báo lãi năm ở mức tượng trưng - chỉ một vài chục triệu đồng. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Hưng Hải Group lần lượt đạt 33 tỷ đồng và 67 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 45 triệu đồng và 170 triệu đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của Hưng Hải Group đạt 72,3 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018; tuy nhiên lãi thuần chỉ ở mức 6 triệu đồng (năm 2018 lãi thuần 177 triệu đồng).

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Hưng Hải Group đạt 397,5 tỷ đồng, tăng 15% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng từ 176,5 tỷ đồng lên mức 203,3 tỷ đồng.

Lĩnh vực năng lượng

Gần đây, nhóm Hưng Hải Group nổi lên như một nhà đầu tư tiên phong và giàu năng lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Họ từng đề xuất đầu tư dự án điện gió có công suất 600 MW, với tổng mức đầu tư lên đến 21.000 tỷ đồng - tức là lớn hơn rất nhiều lần quy mô tổng tài sản của tập đoàn này được đề cập phía trên - tại Gia Lai. Họ cũng gây ồn ào trong tư cách chủ đầu tư cụm 5 dự án điện mặt trời Lộc Ninh (Bình Phước), có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.

Thực ra, vị thế của Hưng Hải Group trong lĩnh vực năng lượng đã được khẳng định từ lâu. Theo đó, tập đoàn này đã được UBND tỉnh Lai Châu lựa chọn là đối tác chiến lược, chỉ định thực hiện nhiều dự án thủy điện lớn tại địa phương như: Thủy điện Nậm Na 2, Thủy điện Nậm Na 3, Thủy điện Tả Páo Hồ.

Trong đó, Thủy điện Nậm Na 2 có công suất lắp máy 66 MW với 3 tổ máy, được khởi công xây dựng từ tháng 5/2009 và hoàn thành vào đầu năm 2015. Thủy điện Nậm Na 3 có công suất lắp máy 84 MW với 3 tổ máy, được khởi công xây dựng từ tháng 1/2012 và hoàn thành vào cuối năm 2015.

Ngày 9/2/2018, ông Trần Đình Hải thành lập CTCP Năng lượng Nậm Nam 2 (Thủy điện Nậm Na 2) và CTCP Năng lượng Nậm Na 3 (Thủy điện Nậm Na 3). Cả 2 công ty này đều được ông Hải nắm giữ hơn 99% vốn.

Cụ thể, tính đến ngày 4/6/2020, Thủy điện Nậm Na 2 và Thủy điện Nậm Na 3 có vốn điều lệ lần lượt đạt 560 tỷ đồng và 596,435 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông đều là ông Trần Đình Hải (nắm giữ 99,4% VĐL), ông Vũ Quang Trường (nắm giữ 0,58% VĐL) và bà Trần Thị Nga (nắm giữ 0,2% VĐL).

Về kết quả kinh doanh, năm 2019, doanh thu thuần của Thủy điện Nậm Na 2 đạt 242,4 tỷ đồng, ghi nhận lãi thuần ở mức 6,66 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Thủy điện Nậm Na 2 đạt 2.294,5 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng từ 529 tỷ đồng lên mức 632,75 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Thủy điện Nậm Na 3, năm 2019, doanh thu thuần công ty này đạt 389,8 tỷ đồng, giảm gần 3% so với năm trước; lỗ thuần ở mức 88,8 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 1 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Thủy điện Nậm Na 3 đạt 3.097 tỷ đồng, giảm 3,3% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm từ 654,46 tỷ đồng xuống còn 565,64 tỷ đồng.

Cũng tại Lai Châu, tập đoàn của ông Trần Đình Hải còn đầu tư mạnh vào lĩnh vực khai thác mỏ thông qua các công ty thành viên như CTCP Khai thác và Chế biến đất hiếm Nậm Xe, CTCP Đất hiếm Tây Bắc.

Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải được thành lập vào ngày 25/4/2003, trụ sở chính đặt tại tổ 10, phường Đoàn Kết, TP. Lai Châu, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà các loại.

Tính đến ngày 4/6/2020, công ty này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, gồm 2 cổ đông góp vốn là ông Trần Đình Hải (nắm giữ 99,42% VĐL) và ông Vũ Quang Trường (nắm giữ 0,58% VĐL). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Đinh Văn Doãn (SN 1960) đảm nhiệm.

CTCP Đất hiếm Tây Bắc (Đất hiếm Tây Bắc) được thành lập vào ngày 13/9/2018, với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải (nắm giữ 55% VĐL), CTCP Thanh Bình Hà Nội (nắm giữ 10% VĐL), ông Lưu Anh Tuấn (nắm giữ 10% VĐL), ông Nguyễn Chí Thanh (nắm giữ 5% VĐL) và ông Lê Văn Tuấn (nắm giữ 20% VĐL).

Từ khi thành lập đến nay, Đất hiếm Tây Bắc chưa phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ thuần vài trăm triệu đồng mỗi năm. Cụ thể, năm 2018 và 2019, lỗ thuần của công ty này lần lượt là 163 triệu đồng và 398 triệu đồng.

Ngày 13/7 vừa qua, Đất hiếm Tây Bắc nâng vốn điều lên lên 120 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không thay đổi. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện do ông Đào Hùng Cường đảm nhiệm.

Phân phối xe ô tô

Ngoài những “sân chơi” kể trên, Hưng Hải Group còn một cuộc chơi khác cũng trong ngành công thương, là phân phối xe ô tô, khi đại gia Trần Đình Hải nắm giữ cổ phần chi phối tại CTCP GM Thăng Long (GM Thăng Long).

Như VietTimes từng đề cập, GM Thăng Long chính là đại lý số 1 của Chevrolet Việt Nam và hãng xe VinFast (từ ngày 15/3/2019), thường được biết đến với tên gọi VinFast Chevrolet Thăng Long.

Đại lý VinFast Chevrolet Thăng Long có diện tích hơn 4.000 m2, tọa lạc tại số 68 Trịnh Văn Bô, Phường Phương Canh, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (trụ sở chính của GM Thăng Long).

GM Thăng Long được thành lập từ năm 2012, quy mô vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Đình Hải góp 5,5 tỷ đồng, sở hữu 55% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại do các cổ đông cá nhân là Đỗ Thị Ngọc Trâm, Trần Thị Minh và Nguyễn Thế Vinh sở hữu, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 15%, 5% và 25% vốn điều lệ.

Tới cuối năm 2017, GM Thăng Long tăng vốn lên gấp 5 năm lần, cơ cấu cổ đông không thay đổi. Không chỉ Chevrolet, có dấu hiệu cho thấy nhóm ông Hải còn tham gia kinh doanh cả dòng xe Lexus, Toyota, với một số showroom tại Hà Nội.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, doanh thu của GM Thăng Long đạt đều đặn vài trăm tỷ đồng mỗi năm song lợi nhuận thu về rất hạn chế - một điều không quá bất thường với các showroom xe hơi. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của GM Thăng Long lần lượt đạt 582,2 tỷ đồng và 596,9 tỷ đồng; nhưng chỉ báo lãi thuần ở mức 75 triệu đồng và 288 triệu đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của GM Thăng Long đạt 332,4 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm trước; lãi thuần ở mức 1,22 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lãi 3,56 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của GM Thăng Long đạt 89 tỷ đồng, giảm 17,7% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 52,94 tỷ đồng xuống mức 33,88 tỷ đồng./.