Nằm sâu trên sa mạc Nevada, căn cứ quân sự tuyệt mật và ít người biết đến với tên gọi Khu vực 6 được cho là địa điểm thử nghiệm các máy bay không người lái hiện đại của Lầu Năm Góc.
Các bức ảnh vệ tinh của Google Earth đã tiết lộ căn cứ không quân tối mật của Mỹ mà rất ít người biết đến, tờ Las Vegas Review Journal đưa tin. Khu vực 6 do Cơ quan An toàn Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA) quản lý, vốn giữ bí mật căn cứ tới nỗi nhiều chuyên gia quốc phòng cũng không biết tới sự tồn tại của nó.
“Tôi chưa từng nghe về nói”, Las Vegas Review dẫn lời ông John Pike, người đứng đầu một trang tin quốc phòng tại Virginia, nói về Khu vực 6.
Rất ít thông tin về căn cứ bí mật Khu vực 6 được tiết lộ. Các bức ảnh từ Google Earth cho thấy có 3 nhà chứa máy bay riêng rẽ, cũng như 4 tòa nhà nhỏ. Trải rộng 1.660 m trên sa mạc là một đường băng.
“Mục đích của căn cứ này là để dựng, hoạt động và thử nghiệm một loạt các thiết bị bay không người lái. Các cuộc thử nghiệm bao gồm các mô hình khung máy bay, hoạt động cảm biến và phát triển trên máy tính”, một giấy phép về Khu vực 6 từ năm 2008, một trong những tài liệu công khai hiếm hoi về căn cứ này, cho biết.
Nằm trong Khu An toàn Quốc gia Nevada, Khu vực 6 được các cơ quan chính phủ sử dụng để thử nghiệm các máy bay không người lái được trang bị cảm biến. Các cơ quan chính phủ đã tận dụng lợi thế không phận bị hạn chế của địa điểm này để không có sự can thiệp từ bên ngoài hay theo dõi từ trên cao.
Các tòa nhà nằm trong Khu vực 6 (Ảnh: Google Earth)
Các cơ quan muốn phát triển các kỹ thuật chống khủng bố, bao gồm việc thử nghiệm thiết bị có khả năng dò nhiên liệu phóng xạ. Các nhiên liệu này có thể được các phần tử khủng bố sử dụng để chế tạo bom bẩn.
Căn cứ bao gồm một đường băng, tổ hợp các tòa nhà nhỏ và một nhà chứa máy bay lớn hình mái vòm. Chuyên gia an ninh hình ảnh Tim Brown của GlobalSecurity.org cho biết với Las Vegas Review rằng độ dài của đường băng cho thấy Khu vực 6 được sử dụng cho các máy bay nhỏ hoặc các máy bay được điều khiển từ xa, như các máy bay do thám không người Predator và Reaper.
Ông Brown cho hay các máy bay nhiều khả năng được thử nghiệm tại Khu vực 6 thích hợp nhất để giám sát các mục tiêu bị che giấu, các vũ khí hoặc con người trên mặt đất, đặc biệt là các khu vực ít dân sự. Địa hình sa mạc cao của căn cứ giống với những gì có thể được tìm thấy tại các nhà chứa máy bay ở Libya.
Phát ngôn viên Cơ quan An toàn Hạt nhân Mỹ (NNSA) Darwin Morgan cho hay: “Chúng tôi kiểm soát không phận và cho phép họ có cơ hội thử nghiệm các loại thiết bị khác nhau. Chúng tôi làm nhiều việc khác nữa - hỗ trợ mọi người tham gia các hoạt động phát triển cảm biến”.
“Nó cũng liên quan tới chương trình thử nghiệm hạt nhân. Chúng tôi đã có các thiết bị cảm biến rất tốt để thu thập dữ liệu trong một phần nhỏ của giây trước khi chúng tiêu tan”.
Khu An toàn Quốc gia Nevada do văn phòng thực địa của NNSA tại bang Nevada quản lý, vốn phối hợp với các cơ quan khác để nghiên cứu các cách thức nhằm đối phó với khủng bố. Các thiết bị được sử dụng để phát hiện nhiên liệu phóng xạ có thể được thử nghiệm tại địa điểm, cũng như các nhiên liệu mà những kẻ khủng bố sử dụng để chế tạo bom bẩn.
Máy bay không người lái Predator được tin là đã được thử nghiệm tại đây (Ảnh: Google Earth)
Khu vực 6 cũng được tin là được sử dụng để thử nghiệm các máy bay không người lái Predator và Reaper.
Được xây dựng vào vào những năm 1950 với chi phí 9,6 triệu USD, địa điểm ban đầu đã được sử dụng cho các vụ thử nghiệm bom hạt nhân. Tổng cộng 1.000 vụ thử nghiệm hạt nhân đã được tiến hành trong thời gian từ 1945-1992.
Theo một báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, 4 cuộc thử nghiệm và 6 vụ nổ đã diễn ra tại Khu vực 6.
Khu vực 6 chỉ nằm cách Khu vực 51, căn cứ quân sự tối mật nổi tiếng nhất thế giới, chỉ 19 km. Sự tồn tại của Khu vực 51 chỉ được thừa nhận vào năm 2013. Khu vực này được bảo vệ bởi lớp an ninh tinh vi và được bao bọc bởi các dãy núi để các tránh sự nhòm ngó từ bên ngoài. Khu vực 51 từng được sử dụng làm bãi thử vũ khí hạt nhân và bị đồn là lưu giữ các thông tin liên quan tới người ngoài hành tinh.
An Bình
Theo Dailymail, News/Dân trí