Ngày 1/6, một video lan truyền trên Twitter, trong đó kênh MSNBC đưa tin về làn sóng biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ cuối tuần qua. Hình ảnh trên không về Philadelphia cho thấy những cột khói bốc lên đầy hỗn loạn, u ám. Tuy nhiên, thực chất đây là hình ảnh cắt từ trailer của phim World War Z do Brad Pitt đóng vai chính. Ở góc phải video là một dòng chữ rất nhỏ "Bad Scooter/Not real" (Bad Scooter/Không phải sự thật).
Tuy nhiên, không phải ai cũng phát hiện dòng chữ này và lập tức chia sẻ clip khắp Twitter. MSNBC khẳng định trên Reuters họ hoàn toàn không sử dụng hình ảnh trong phim World War Z. Bad Scooter - kênh phát tán clip - phải xóa clip giả mạo và đăng lại video gốc mà họ dùng để chỉnh sửa, cắt ghép.
Tuy nhiên, những giải thích trên không đủ ngăn sự lan truyền của thông tin giả mạo. Nhiều người tiếp tục chỉ trích và cáo buộc trang tin cố tình dùng hình ảnh trong phim để đưa tin giả, gây hoang mang cho người xem.
MSNBC trở thành nạn nhân mới nhất của tin giả trên mạng xã hội khi nhiều người tưởng họ dùng hình ảnh trong phim để đưa vào bản tin.
|
"MSNBC làm như chúng ta chưa xem phim do Brad Pitt đóng vậy", tài khoản OverdoseOnTwitch nói. "Chuyện này có thật không? MSNBC không sử dụng hình ảnh phim World War Z phải không? Hãy nói với tôi họ không ngớ ngẩn đến thế", một tài khoản khác nói. Một số người còn chia sẻ lại trên các diễn đàn về thuyết âm mưu, cho rằng các kênh truyền thông không còn đáng tin cậy, bóp méo sự thực để kích động biểu tình và bạo lực.
Bad Scooter đã phải liên tục thanh minh: "Mọi chuyện diễn ra quá nhanh. Tôi đã đánh giá quá thấp mạng xã hội như Twitter. Nhiều người đã phát hiện ra trò đùa, nhưng một số tin là thật. Thật là một trò ngu xuẩn. Tôi xin lỗi".
Theo The Verge, tình huống trên là ví dụ cho thấy sự lan truyền không thể kiểm soát của tin giả trên mạng xã hội. Không ít người dàn dựng hình ảnh chỉ để đùa vui trong lúc rảnh rỗi, nhưng không lường trước được hậu quả mà hình ảnh giả mạo có thể gây ra.
Các chuyên gia công nghệ cũng khuyến cáo, Internet đầy rẫy những thứ chỉ có một nửa sự thật, những lời nói dối và những thông tin không đáng tin cậy, không rõ nguồn gốc. Thông tin sai lệch bao giờ cũng lan nhanh trong khi tin đính chính thì lại không được để ý tới.
Một ví dụ khác về hậu quả khó lường của tin giả trên mạng xã hội là việc nhiều người tin mạng 5G là "thủ phạm" khiến Covid-19 lây lan khắp thế giới. Từ tháng 4, chỉ tính riêng ở Anh, có tới 77 trạm phát sóng bị đốt phá trong khi các kỹ sư viễn thông bị lăng mạ, tấn công.
Từ tháng 4, tin giả 5G là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan bắt đầu lan truyền ở các nước châu Âu, khiến nhiều trạm phát sóng bị phá hủy trong khi Chỉ tính riêng ở Anh, có tới 77 trạm phát sóng bị đốt trong vòng một tháng qua. Trong khi đó, theo khảo sát của Essential, trung bình cứ 8 người Australia lại có một người tin 5G có mối liên quan tới Covid-19.
Theo VnExpress