- Theo một khảo sát mới được công bố, 92% người Mỹ không đầu tư vào tiền mã hóa.
- Những người được khảo sát nói rằng họ không mua tiền mã hóa vì họ không có hứng thú hoặc cảm thấy nó quá rủi ro.
- Một số người nói rằng tiền mã hóa rất khó hiểu hoặc “đó là một trò lừa đảo”.
Thực trạng sở hữu tiền mã hóa
Theo một nghiên cứu mới được công bố của Finder.com, chỉ có 16,3 triệu người Mỹ (tương đương 8% dân số) hiện nay sở hữu tiền mã hóa. Mặc dù đây là một bước tiến dài so với tỷ lệ 1% vào hồi năm 2016 (điều này được lý giải bằng việc bùng nổ Bitcoin và các đồng tiền số khác trong năm 2017), thì vẫn còn 92% người Mỹ không sở hữu bất của loại tiền mã hóa nào.
Không ngạc nhiên khi Bitcoin là sự lựa chọn phổ biến nhất. Hơn 5% dân số Hoa Kỳ sở hữu đồng tiền này. Ethereum đứng ở vị trí thứ hai với 1,8% dân số sở hữu. Bitcoin Cash, Ripple và một số đồng tiền khác có tỷ lệ người sở hữu thấp hơn 1%.
Lý do phần lớn người Mỹ không đầu tư vào tiền mã hóa
Đây là bảng khảo sát do Finder.com thực hiện. Nhìn vào bảng này chúng ta thấy những lý do vì sao nhiều người Mỹ chưa mua tiền mã hóa
Chúng ta cùng xem xét kỹ hơn các lý do này để tìm hiểu xem tại sao người Mỹ lại nghĩ như vậy:
- Không thấy cần thiết phải đầu tư, hoặc không quan tâm (39,7%). Thực ra đồng đô la Mỹ đang là loại tiền tệ có giá trị toàn cầu. Dường như nhiều người Mỹ suy nghĩ rằng nếu tiền đô la đã tốt rồi, thì tại sao chúng ta lại cần một đồng tiền thứ hai.
- Tiền mã hóa có rủi ro cao (35,3%). Tiền mã hóa rất dễ “bay hơi”. Kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 12 năm ngoái, Bitcoin đã mất hơn một nửa giá trị. Vào thời điểm bài viết này lên trang, 4 trong số 10 đồng tiền mã hóa phổ biến nhất đã mất hơn 10% giá trị. Sự biến động của tiền mã hóa là một trong những thách thức lớn đối với những người có ý định đầu tư tiền ảo. 35% người Mỹ dường như không sẵn sàng chịu thua lỗ.
- Tiền mã hóa “là một trò lừa đảo (18,4%) Trong trường hợp này, cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ hơn để tránh các vụ lừa đảo có thể xảy ra. Trên thực tế đã có nhiều vụ lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa và gọi vốn đầu tư (Initial Coin Offering). Facebook và Google gần đây đã cấm các quảng cáo tiền mã hóa cho mục đích này. Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cũng đang có kế hoạch ngăn chặn thị trường tiền mã hóa để bảo vệ nhà đầu tư.
- Tiền mã hóa là một bong bóng (16,6%) Trên thị trường hiện nay có hơn 1.600 loại tiền mã hóa khác nhau và không phải loại nào cũng là thứ để đầu tư dài hơi. Rõ rệt nhất là đồng Bitcoin khi nó đã tăng từ mức 1.000 USD lên 20.000 USD vào cuối năm 2017, nhưng đến đầu năm 2018 có lúc giá trị của nó giảm xuống còn hơn 5.000 USD. Một bong bóng “nổ tung” hoàn toàn có thể xảy ra đối với Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác.
- Thật khó sử dụng (11,4%) Một công nghệ dù rất hữu ích nhưng nếu nó khó sử dụng thì người dùng cũng sẽ chậm chấp nhận nó. Mặc dù tiền mã hóa đã trở nên thân thiện hơn trong vài năm qua khi nó được tích hợp vào trong các nền tảng như Square Cash, nhưng việc mua và sử dụng Bitcoin không dễ dàng như dùng thẻ ghi nợ
- Có quá nhiều lệ phí (5,8%) Đây là vấn đề cụ thể của Bitcoin chứ không phải của tiền mã hóa nói chung. Nếu không có hỗ trợ kỹ thuật, mạng Bitcoin không thể xử lý khối lượng lớn giao dịch. Khi mạng Bitcoin bị quá tải, phí giao dịch có thể tăng lên đột biến. Vào thời điểm bài viết này được thực hiện, phí giao dịch Bitcoin là 1,35 USD. Hồi cuối năm ngoái, con số này là hơn 20 USD.
Điều gì xảy ra nếu hơn 8% người Mỹ tham gia đầu tư tiền mã hóa?
Ngày nay, việc mua bán Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác đã trở nên rất dễ dàng. Thêm nhiều giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng để giảm chi phí giao dịch. Khi thời gian trôi đi, nhiều người vốn suy nghĩ rằng tiền mã hóa là bong bóng và lừa đảo có thể sẽ suy nghĩ lại. Các điều luật và quy định sẽ giúp minh bạch hóa thị trường tiền số.
Có lẽ trở ngại lớn nhất mà người Mỹ cần phải vượt qua là họ chưa cảm thấy cần thiết phải sở hữu tiền mã hóa, hoặc không quan tâm đến tiền mã hóa. Khi nhận thức này thay đổi, sẽ có nhiều người Mỹ tham gia hơn vào thị trường tiền mã hóa.