Harmony OS không phải kế hoạch dự phòng mà là chiến lược của Huawei

Hệ điều hành mới của Huawei khiến nó trở thành một trong những công ty duy nhất bên cạnh Samsung, có khả năng tạo ra một hệ sinh thái độc lập như Apple.

Sau khi lệnh cấm sử dụng hệ điều hành Android có hiệu lực, Huawei đã tiết lộ kế hoạch dự phòng của mình. Nhưng những gì được dự đoán là kế hoạch B lại là bước tiếp theo trong chiến lược tăng trưởng của Huawei.

Đầu tiên, Huawei đã lên kế hoạch về hệ điều hành mới của riêng mình hơn hai năm nay, vì vậy nó không thực sự liên quan đến lệnh cấm thương mại của Hoa Kỳ khiến Google chặn quyền truy cập của Huawei vào Android.

Tiếp theo, Harmony OS không chỉ là một hệ điều hành dành riêng cho điện thoại. Trên thực tế, Huawei nhấn mạnh rằng nó hoạt động trên nhiều thiết bị và là một hệ điều hành dành cho IoT. Điều đó có nghĩa Harmony OS mang khả năng hoạt động đa nền tảng và đưa người tiêu dùng vào một hệ sinh thái của các thiết bị Huawei. Đó cũng là cách Apple giữ khách hàng trong hệ sinh thái với khả năng tương tác giữa MacOS, iOS và bây giờ là iPadOS.

Tất cả đều khả thi nếu tính đến quy mô của Huawei. Không giống như hầu hết các nhà sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc, đây không phải là công ty chỉ bán điện thoại. Huawei có một danh mục bằng sáng chế khổng lồ trong kho của mình và đây là một trong những công ty viễn thông lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới. Theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu Dell’Oro Group, Huawei đã chiếm 28% thị phần trong thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu trong quý 3/2018.

Hơn nữa, công ty cũng sở hữu nhà sản xuất chip HiSilicon và thường xuyên tung ra các sản phẩm trên chipset thương hiệu Kirin thay vì chipset Snapdragon phổ biến của Qualcomm. Huawei thậm chí còn có chipset Kirin 980 7nm, ngang hàng với Qualcomm và Samsung, theo như công nghệ chipset hiện nay.

Và tất cả những điều này làm cho Huawei trở thành một trong những công ty duy nhất bên cạnh Samsung, về mặt lý thuyết có khả năng tạo ra một hệ sinh thái độc lập như Apple. Công ty hiện có hệ điều hành riêng, bộ xử lý và ứng dụng riêng được thiết kế cho các hệ thống này. Điều duy nhất còn thiếu là các thiết bị chạy trên các hệ thống này.

Hệ sinh thái độc lập đã là chìa khóa vận hành cho Apple trong những năm qua. Công ty vẫn giữ được sự vượt trội về hiệu năng so với Android trong nhiều năm nhờ vào sự đồng nhất trong các thiết bị của mình. Trên thực tế, bộ vi xử lý điện thoại thông minh của Apple vẫn đứng trước các thiết bị Android khi kiểm tra điểm chuẩn.

Gã khổng lồ Hàn Quốc Samsung cũng có hệ điều hành riêng mang tên Tizen, và theo một báo cáo gần đây của Strategy Analytics, Samsung đã tạo ra hệ sinh thái TV thông minh hàng đầu trên thế giới. Tizen chạy trên TV thông minh và đồng hồ thông minh của Samsung, nhưng lại thất bại thảm hại trên các điện thoại Android như Samsung Z1, Z3,…

Lý do chính cho sự thất bại này là do thiếu hỗ trợ ứng dụng Android, mà Giám đốc điều hành Huawei, Richard Yu xác nhận là trường hợp của Harmony OS. Và cũng giống như Yu, Samsung đã tuyên bố rằng rất dễ dàng chuyển các ứng dụng Android sang Tizen. Không may là điều này lại không thực hiện được.

Tuy nhiên, trong khi Samsung chỉ mới bắt đầu với Tizen, Huawei đã có một thị phần khá trên toàn thế giới và một sân nhà mạnh mẽ. Theo số liệu từ Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDC), Huawei đã xuất xưởng 36,3 triệu điện thoại thông minh tại Trung Quốc trong quý II, công ty thành công nhất ở thị trường Trung Quốc và Châu Âu.

Các nhà phân tích cho rằng đây có thể là điểm khác biệt chính giữa nỗ lực của Huawei và nỗ lực của Samsung với Tizen. Bởi thị trường nhà của Huawei là rất lớn, Huawei có thể học hỏi từ thị trường Trung Quốc trước khi đưa hệ điều hành ra toàn cầu.

Về cơ bản, cơ sở khách hàng mạnh mẽ của Huawei ở Trung Quốc có thể thuyết phục rất nhiều nhà phát triển xây dựng ứng dụng cho Harmony OS, từ đó mang lại cho Harmony OS cửa hàng ứng dụng mạnh mẽ mà bất kỳ hệ điều hành nào cũng cần để thành công. Huawei có thể sử dụng điều này để thuyết phục người mua điện thoại thông minh ở các thị trường khác.

Tóm lại, thật dễ dàng để gọi Harmony OS là kế hoạch B nhưng đây lại là bước tiếp theo trong chiến lược tăng trưởng của Huawei. Công ty không chỉ muốn ngăn sự thống trị của Google trên Android, họ muốn đảm bảo rằng sẽ có nhiều khách hàng hơn dựa vào hệ sinh thái của riêng mình và Harmony OS là cách để thực hiện điều đó.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/kinh-doanh/thi-truong/harmony-os-khong-phai-ke-hoach-du-phong-ma-la-chien-luoc-cua-huawei-187601.ict