Theo phương án này, Nhà nước sẽ bán toàn bộ phần vốn nắm giữ tại Hapro và vừa phát hành thêm cổ phần tăng vốn điều lệ khi cổ phần hóa tổng công ty này. Khi thực hiện phương án này, vốn điều lệ của Hapro là 2.200 tỷ đồng, chia thành 220 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Cơ cấu vốn sở hữu Hapro khi cổ phần hóa sẽ có 75,926 triệu cổ phần bán qua đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ. Đồng thời, cổ phần ưu đãi bán cho người lao động trong Hapro chỉ là 1.074.000 cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ.
Nhưng đặc biệt có tới 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ. Nói cách khác, nhà đầu tư chiến lược mới được xác định là chủ thực sự của Hapro sau khi cổ phần hóa.
Theo phương án được duyệt, giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa Hapro là 12.800 đồng/1 cổ phần.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng theo quy định, và điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước khi không bán hết cổ phần theo phương án này.
Sau cổ phần hóa, Hapro sẽ thực hiện thuê đất và trả tiền thuê đất theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt và quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất. Tổng công ty cũng được yêu cầu phải giải quyết các tồn tại về nhà, đất (nếu có) trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.