Mà Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Du lịch Thăng Long (Du lịch Thăng Long) lại được thành lập để thực hiện dự án “Tòa nhà Thương mại Dịch vụ và Khách sạn tại số 198 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội”.
Do đó, nói “Hanoitourist muốn rút khỏi dự án 198 Trần Quang Khải” có lẽ cũng không quá khiên cưỡng.
“Của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội”
Xin nhấn mạnh cái tên dự án: “Tòa nhà Thương mại Dịch vụ và Khách sạn tại số 198 Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội” – nguyên văn theo công bố của Hanoitourist.
“Của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội” nhưng lưu ý rằng, Hanoitourist chỉ giữ vai trò thứ yếu tại dự án. Ít nhất là qua cơ cấu sở hữu của Du lịch Thăng Long.
Cụ thể, trong 100 tỷ đồng vốn điều lệ của Du lịch Thăng Long (không đổi từ khi thành lập (19/6/2014) đến nay), Hanoitourist chỉ sở hữu 2,5 triệu cổ phần, tương đương với 25% vốn điều lệ. Hai cổ đông sáng lập còn lại: Công ty TNHH Thắng Lợi Hà Nội nắm giữ 2,5 triệu cổ phần (25%); Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS nắm giữ 5 triệu cổ phần (50%).
Như vậy, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS (NHS) mới là cổ đông có tiếng nói quyết định tại dự án mang danh “của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội”. Chứ không phải là Hanoitourist!
Song công bằng mà nói, trong 3 cái tên sáng lập nên Du lịch Thăng Long thì NHS chính đơn vị có thế mạnh và năng lực nhất trong việc đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản. NHS tiền thân là Công ty CP tư vấn, đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Hà Nội 1, thành lập năm 2005. Đến tháng 05/2006 được chuyển đổi thành Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng NHS và nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng NHS. NHS đang là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội, như Tổ hợp thương mại, siêu thị, văn phòng và nhà ở để bán - Helios Tower; Chung cư thuộc Khu đô thị mới Mỹ Đình I; Nhóm nhà ở Đông Nam Láng Hạ - Thanh Xuân kéo dài; Dự án khu nhà ở xã hội tại ô đất C11-ODK4 phường Yên Sở, quận Hoàng Mai;…
Trong khi đó, Hanoitourist vốn thiên về lữ hành và các dịch vụ du lịch. Việc tham gia các dự án bất động sản của Hanoitourist có chăng là bởi họ có thế mạnh về các quỹ đất nội thành, vốn là các cơ sở kinh doanh được Hà Nội giao cho khai thác, sử dụng. Nếu làm bất động sản, Hanoitourist thường tham gia trong một liên danh đầu tư, mà họ dùng “đất” để góp vốn; Chứ hiếm khi đầu tư một dự án địa ốc nào một cách độc lập.
Như với dự án đang đề cập, Hanoitourist cũng “góp vốn bằng quyền khai thác tài sản trên đất của khu đất 198 Trần Quang Khải”.
Phối cảnh dự án 198 Trần Quang Khải. (Ảnh: Internet)
|
Còn cổ đông cuối cùng - Công ty TNHH Thắng Lợi Hà Nội (Thắng Lợi Hà Nội), dù được thành lập từ năm 2006 nhưng hiện vẫn là một cái tên còn khá xa lạ trên thị trường.
Thông tin đăng ký doanh nghiệp thay đổi ngày 30/9/2014 cho thấy, Thắng Lợi Hà Nội đăng ký trụ sở chính tại một con ngách trên phố Đội Cấn (Hà Nội), do ông Tô Hữu Vinh (SN 1966) làm người đại diện theo pháp luật. Ông Vinh cũng là thành viên góp vốn lớn nhất của Thắng Lợi Hà Nội với số vốn đăng ký góp là 22,5 tỷ đồng – chiếm 45% vốn điều lệ (50 tỷ đồng). 55% vốn điều lệ còn lại được đăng ký đóng góp bởi bà Trần Thị Ngà (35%) – cùng địa chỉ thường trú với ông Vinh, và ông Vũ Quốc Chính (20%).
Chưa rõ Thắng Lợi Hà Nội đã tìm thấy NHS và Hanoitourist như thế nào để hình thành liên danh đầu tư dự án 198 Trần Quang Khải.
Và có một chi tiết nên lưu ý, đó là mức độ sở hữu của Thắng Lợi Hà Nội tại dự án có thể không dừng lại ở tỷ lệ sở hữu 25% cổ phần của họ ở Du lịch Thăng Long.
“Góp hộ”
Theo những thông tin hạn chế mà Hanoitourist công bố trong tài liệu thoái vốn, thì năm 2017, vốn chủ sở hữu của Du lịch Thăng Long đã tăng từ 43,5 tỷ đồng lên 100,3 tỷ đồng.
“Vốn chủ sở hữu tăng từ 43,5 tỷ đồng lên 100,3 tỷ đồng do các cổ đông đã hoàn thành phần vốn góp của mình: Tổng Công ty Du lịch HN góp 1,6 tỷ (nhà hàng xưa và nay), Công ty TNHH Thắng Lợi Hà Nội góp 50 tỷ (trong đó 30 tỷ là góp hộ CTCP Xây dựng NHS), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng NHS góp 5 tỷ”, Hanoitourist thuyết minh.
Xin nhấn mạnh vào chi tiết “góp hộ”. Tại sao NHS không tự góp mà phải để Thắng Lợi Hà Nội phải “góp hộ”, cũng như vì sao Thắng Lợi Hà Nội lại đi “góp hộ” NHS.
Nên nhớ, số tiền 30 tỷ đồng là đáng kể với Thắng Lợi Hà Nội – một công ty chỉ có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Còn với NHS – một chủ đầu tư bất động sản có tên tuổi, vốn điều lệ 400 tỷ đồng, nó đáng ra phải khả dĩ để thu xếp.
Chưa kể, NHS là cổ đông lớn nhất và là công ty mẹ của Du lịch Thăng Long. Còn Thắng Lợi Hà Nội chỉ là cổ đông thứ yếu.
30 tỷ đồng, nên nhớ, cũng tương đương với 30% cổ phần Du lịch Thăng Long (Chưa tính các lần góp vốn trước, Thắng Lợi Hà Nội có “góp hộ NHS không).
Hẳn Thắng Lợi Hà Nội không thể góp hộ một cách “vô tư” cho NHS. Nếu không cùng một chủ, hai bên chắc phải thỏa thuận một điều kiện ràng buộc nào đó.
Một kịch bản có thể đặt ra, đó là Thắng Lợi Hà Nội “góp hộ” NHS cũng chính là góp vốn cho chính mình. Hai bên có một thỏa thuận, rằng phần vốn mà Thắng Lợi Hà Nội góp hộ NHS sau này bằng cách nào đó sẽ được chuyển thành vốn góp của Thắng Lợi Hà Nội tại Du lịch Thăng Long. Hay nói cách khác, NHS tạm đứng tên hộ cổ phần Du lịch Thăng Long cho Thắng Lợi Hà Nội. Việc NHS – một nhà đầu tư bất động sản đã thành danh - làm cổ đông chi phối/công ty mẹ của Du lịch Thăng Long, khách quan mà nói, sẽ “dễ được chấp nhận” hơn Thắng Lợi Hà Nội! Nhưng nếu theo kịch bản này, chủ thực sự của Du lịch Thăng Long và cũng là dự án 198 Trần Quang Khải sẽ là Thắng Lợi Hà Nội, chứ không phải là NHS hay Hanoitourist.
Dù sao đó chỉ là một giả thuyết. Và rất có thể nó không chính xác.
Được biết, trước khi Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Du lịch Thăng Long chính thức được thành lâp vào giữa năm 2014, thì trước đó, ngày 28/8/2013, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 6268/UBND-KT chấp thuận về chủ trương theo đề nghị của Liên danh Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, Công ty TNHH Thắng Lợi, Công ty CP Đầu tư Xây dựng NHS về việc góp vốn thành lập.
Ai sẽ tham gia đấu giá?
Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, phiên đấu giá 2,5 triệu cổ phần Du lịch Thăng Long của Hanoitourist dự kiến sẽ diễn ra vào 13h30 ngày 13/08/2018.
Với giá khởi điểm 13.000 đồng cho mỗi cổ phần mệnh giá 10.000 đồng, dự kiến Hanoitourist sẽ thu về tối thiểu 32,5 tỷ đồng từ thương vụ.
Việc Hanoitourist chỉ nắm giữ có 25% cổ phần Du lịch Thăng Long, trong khi 75% còn lại đã “an vị” bởi Thắng Lợi Hà Nội và NHS, có thể sẽ hạn chế thu hút với các nhà đầu tư.
Bởi lẽ, với tối đa chỉ 25% cổ phần có quyền biểu quyết, nhà đầu tư/các nhà đầu tư thay thế Hanoitourist sẽ không có nhiều tiếng nói tại Du lịch Thăng Long. Chỉ cần Thắng Lợi Hà Nội và NHS – vốn đã gắn bó với nhau từ ngày đầu - tìm được tiếng nói chung, mọi quyết sách sẽ cơ bản do họ định đoạt.
Vì vậy, khó có thể kỳ vọng giá trúng đấu giá trong thương vụ thoái vốn của Hanoitourist đột phát so với mức khởi điểm.
Có lẽ những nhà đầu tư cảm thấy có động lực và cả lợi thế nhất để tham gia phiên đấu giá vào chiều ngày 13/08 lại chính là Thắng Lợi Hà Nội và NHS. Với tỷ lệ sở hữu và cả sự hiểu biết/quan hệ sẵn có, việc gom nốt 25% cổ phần từ Hanoitourist giúp Thắng Lợi Hà Nội và NHS thâu tóm triệt để dự án Tòa nhà Thương mại Dịch vụ và Khách sạn tại số 198 Trần Quang Khải. Mà quan trọng nhất trong đó là quyền sử dụng đất.
Hanoitourist rút lui, dĩ nhiên, dự án 198 Trần Quang Khải sẽ phải bỏ đuôi “của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội”. Nhưng để cắt hoàn toàn cái “đuôi” ấy, một điều kiện tiên quyết là Du Lịch Thăng Long phải xử lý xong việc “tách sổ” lô đất 198 Trần Quang Khải.
Khu đất này có tổng diện tích 2.276,4 m2 nằm ngoài chỉ giới đỏ. Trong đó, đất sử dụng cho dự án là 1.180,7 m2, diện tích còn lại thuộc về Hanoitourist. Khu đất được sử dụng với mục đích xây dựng làm văn phòng làm việc, kinh doanh khách sạn, nhà hàng và văn phòng cho thuê. Thời gian thuê đất là 50 năm, kể từ ngày 20/5/2009.
Theo Hanoitourist, đến thời điểm thẩm định, tổng công ty này vẫn chưa thực hiện thủ tục pháp lý để tách hợp đồng thuê đất có thời hạn cho doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Du lịch Thăng Long. Hanoitourist vẫn là pháp nhân ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên & Môi tường.
Để tách được hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần phải được phê duyệt dự án đầu tư mới xác định được đơn giá thuê đất theo quy định. Vì vậy, sau khi Du lịch Thăng Long được phê duyệt dự án đầu tư, Hanoitourist sẽ báo cáo xin ý kiến UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở ban ngành hướng dẫn điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tách hợp đồng thuê đất tại số 198 Trần Quang Khải.
“Trường hợp sau khi Hanoitourist hoàn thành thoái toàn bộ vốn mà dự án vẫn chưa được phê duyệt, Tổng công ty sẽ có trách nhiệm phối với với Du lịch Thăng Long thực hiện các thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tách hợp đồng thuê đất, chuyển giao phần đất triển khai dự án cho Du lịch Thăng Long quản lý sử dụng theo luật định”, Hanoitourist cam kết.
Không chỉ là Du lịch Thăng Long Theo Công văn số 4227/UBND-KT ngày 29/8/2017 của UBND Tp. Hà Nội về việc bổ sung danh mục doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND thành phố thực hiện thoái vốn năm 2017, thì Hanoitourist sẽ phải thoái vốn tại 04 doanh nghiệp. Cụ thể, ngoài Du lịch Thăng Long còn có 3 cái tên khác, gồm: Công ty TNHH Khách sạn Điện Biên Phủ - Hà Nội; Công ty cổ phần Hà Nội – Hưng Yên; CTCP Thương mại Dân chủ. Văn bản giao Hanoitourist chủ động phối hợp với các doanh nghiệp thoái vốn đầu tư thực hiện quy trình, thủ tục thoái vốn theo quy định; hoàn thành công tác thoái vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp năm 2017./. |