Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông-Tây quyết liệt chưa từng có kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc đối đầu này, Nga dường như đang phải một mình đối phó với sự dồn vây, “tấn công” tứ phía, trên mọi mặt trận từ các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Mỹ cùng các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở nước láng giềng Ukraine và kích động cuộc xung đột vũ trang đẫm máu ở miền đông Ukraine .
Mặc dù Moscow đã kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc trên, và dù không phương Tây không thể đưa ra được những bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho những cáo buộc của họ, các nước này dưới sự chỉ đạo của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Những biện pháp trừng phạt này hiện đang gây khó khăn rất nhiều cho Nga. Phương Tây liên tục gây sức ép dồn dập, tới tấp với Nga dựa trên lý do về cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Các nước này tuyên bố, chỉ khi tình hình Ukraine tiến triển thì họ mới nới lỏng dần sức ép đối với Nga.
Điều đáng ngạc nhiên là phương Tây dường như không thực hiện đúng những cam kết mà họ đã tuyên bố ở trên. Tình hình Ukraine hiện tại được đánh giá là đang tiến triển khá tốt và đang đem lại hy vọng khi những cuộc giao tranh, đụng độ đã giảm một cách rõ rệt nhờ vào thỏa thuận ngừng bắn mới nhất vừa đạt được hôm 12/2 dưới sự nỗ lực làm trung gian của Nga, Pháp Đức. Các bên đối địch nhau tiếp tục thực hiện kế hoạch rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến tuyến để lập ra vùng đệm an toàn đúng như yêu cầu được đưa ra trong thỏa thuận Minsk. Dù đôi lúc còn có những vụ nổ súng xảy ra đâu đó nhưng miền đông Ukraine được đánh giá là đang yên ắng trở lại. Có những ngày liên tiếp không xảy ra đụng độ và thương vong.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh tình hình ở Ukraine đang tiến triển, người ta lại thấy phương Tây có một loạt hành xử khó hiểu và gây hoang mang. Cụ thể, liên tục trong những ngày vừa qua, người ta thấy giới chức phương Tây lại không ngừng nói đến việc gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 4/3 tuyên bố, một nhóm chuyên gia trừng phạt của họ đã đến Châu Âu tuần này để thảo luận về khả năng tung ra thêm các đòn trừng phạt sâu hơn, mạnh hơn nhằm vào Nga. Báo chí phương Tây cũng đồng loạt đăng tải các thông tin về những lời đe dọa của giới chức phương Tây trong việc tung thêm ra các đòn trừng phạt Nga. Lãnh đạo của các nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ.... đều có cảnh báo về việc sẽ bắt Nga phải trả giá thêm nữa nếu thỏa thuận Minsk đổ vỡ.
Không chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo, đe dọa về đòn trừng phạt mới, phương Tây còn có một loạt động thái quân sự gây giật mình, không thể không khiến Nga cảm thấy bất an.
Hôm 4/3, phương Tây đã đưa 6 tàu chiến NATO vào Biển Đen để tham gia tập trận với Hải quân các nước láng giềng xung quanh Nga bao gồm Bulgari, Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO đã luân phiên điều các tàu chiến của họ tới Biển Đen – nơi được xem là sân sau cảu Nga, sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái. Hồi tháng 7 năm ngoái, NATO từng triển khai tới 9 tàu chiến tới biển Đen, đạt kỉ lục về số lượng kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Cùng với cuộc tập trận trên, Mỹ còn đưa quân vào lãnh thổ Ukraine để tập trận quân sự chung với lực lượng của Kiev . Cụ thể, 300 binh lính Mỹ hiện đã có mặt trên đất của Ukraine . Ngoài tham gia tập trận chung, quân Mỹ sẽ tiến hành đào tạo, huấn luyện cho binh lính Ukraine.
Chưa hết, giới chức Mỹ tiếp tục nói về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine . Thậm chí có nguồn tin khẳng định rằng, chắc chắn đến 99% là Mỹ sẽ cung cấp vũ khí hiện đại cho Kiev .
Những diễn biến trên hoàn toàn là bất thường và khó hiểu khi mà tình hình Ukraine đang đạt được những tiến triển khả quan. Người ta phải đặt câu hỏi tại sao phương Tây tiếp tục làm căng với Nga khi tình hình Ukraine đã dịu nhẹ và khi Nga được cho là đang rất nỗ lực tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng.
Hành xử bất thường của phương Tây đang khiến Nga nổi giận thực sự. Trong những ngày qua, Nga đã tung ra hàng loạt động thái quân sự rầm rộ, quy mô để thể hiện sức mạnh, sự sắc bén của quân đội nước này. Mục đích của các hoạt động quân sự đó được cho là nhằm để răn đe phương Tây, để phát đi thông điệp cảnh báo sắc lạnh với phương Tây. Trong số các động thái quân sự mới nhất của Nga, đáng chú ý là cuộc tập trận lớn ở bán đảo Crimea – nơi được xem là một trong những cội nguồn chính gây ra cuộc đối đầu Đông-Tây “căng như dây đàn” hiện nay.
Hơn 2.000 binh lính và 500 vũ khí Nga đến từ các đơn vị phòng không đã diễn tập trên bán đảo Crimea . Ngoài ra, cuộc tập trận còn diễn ra ở miền nam nước Nga và nhiều khu vực khác ở biên giới của Nga. Moscow cũng phô diễn sức mạnh của nhiều vũ khí sắc bén của nước này trong các cuộc tập trận khác như ở Biển Đen. Những động thái quân sự dồn dập này rõ ràng là nhằm tới phương Tây, nhằm thể hiện một lập trường cứng rắn, kiên định của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Trong nhiều tháng qua, dù dùng mọi sức ép có thể, phương Tây cũng không thể lay chuyển được lập trường của Nga trong cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine .