Hành trình tỉ phú của CEO Nvidia Jensen Huang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sở hữu khối tài sản hơn 40 tỉ USD, CEO Nvidia Jensen Huang được xem như ‘ngôi sao’ của ngành bán dẫn.

“Chúng tôi đã nói với Thủ tướng sẽ cam kết thực hiện kế hoạch để Việt Nam thành ‘quê hương thứ hai’ của Nvidia. Chúng tôi sẽ thành lập pháp nhân tại Việt Nam”, Chủ tịch kiêm CEO Nvidia Jensen Huang cho biết như vậy tại Tọa đàm “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam”, sáng 11/12.

Phát biểu tại sự kiện, người đứng đầu Nvidia cũng đánh giá Việt Nam đã sẵn sàng cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và sẽ đầu tư nâng cao năng lực về con người cũng như hạ tầng trong quá trình này.

Jensen Huang 1.png
Chủ tịch kiêm CEO Nvidia Jensen Huang (Ảnh: VGP)

Trong chuyến công tác đầu tiên tới Việt Nam, không khó để bắt gặp hình ảnh CEO Nvidia khoác áo da và mặc quần jean màu đen. Thực tế, ông Jensen Huang thường xuyên xuất hiện trước truyền thông với chiếc áo da màu đen suốt 20 năm qua. Nguyên nhân, theo New York Times, nhằm giúp ông có ngoại hình trông luôn ổn định.

Sinh năm 1963, tại Đài Loan, Jensen Huang có thể được coi là một trường hợp thành công điển hình của người nhập cư ở Mỹ. Theo Bloomberg Billionaires Index, CEO Nvidia sở hữu khối tài sản ròng có giá trị lên tới hơn 40 tỉ USD, thuộc top 30 người giàu nhất hành tinh.

Khi lên 9 tuổi, Jensen Huang và anh trai bị gửi sang Mỹ với tư cách là những trẻ vị thành niên không có người đi cùng. Sau vài năm, cha mẹ Huang được nhập cảnh vào Mỹ, đoàn tụ với các con và định cư tại bang Oregon. Đây cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt của vị tỷ phú.

Ông theo học cử nhân về khoa học kỹ thuật điện (BSEE) tại Đại học bang Oregon. Tại đây, Huang gặp và kết hôn với bà Lori Mills - cộng sự của ông trong phòng thí nghiệm. Vị tỷ phú từng cho biết việc theo học Đại học bang Oregon đã giúp ông nhìn thấy điều kỳ diệu đằng sau máy tính - thứ mà ông yêu thích từ khi còn nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp, Jensen Huang làm việc tại Advanced Micro Devices (AMD) - công ty sản xuất linh kiện bán dẫn - khoảng 1 năm. Sau đó, ông tiếp tục làm việc cho tập đoàn sản xuất chip LSI logic từ năm 1985 đến 1993.

Cũng trong khoảng thời gian này, Huang đăng ký học và nhận bằng thạc sĩ về khoa học kỹ thuật điện (MSEE) của Đại học Stanford vào năm 1992. Ông từng chia sẻ, bản thân vốn “được định sẵn là một kỹ sư”, vì cha và các anh trai ông đều làm kỹ sư.

Khởi nguồn của Nvidia

Trong quãng thời gian sinh viên, Jensen Huang đã làm việc bán thời gian tại nhà hàng Denny's, nơi khởi nguồn của những ý tưởng tỷ đô của ông sau này. Huang nói rằng trải nghiệm tại Denny’s đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và giúp ông bớt rụt rè.

"Tôi là sinh viên giỏi tập trung và có định hướng, nhưng hướng nội, cực kỳ nhút nhát. Mới chỉ nghĩ đến việc trò chuyện với mọi người, tôi đã cảm thấy sợ hãi. Trải nghiệm duy nhất kéo tôi thoát khỏi vỏ bọc đó là công việc bồi bàn ở Denny's”, ông nói.

Cũng tại đây, Huang gặp gỡ hai người bạn là Chris Malachowsky và Curtis Priem. Khi ấy cả Malachowsky và Priem đang là kỹ sư tại Công ty Sun Microsystems, trong khi Huang làm việc tại LSI Logic.

Thông qua gặp gỡ, cộng thêm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp bán dẫn, cả ba chọn cùng nhau khởi nghiệp. Ý tưởng ban đầu của họ là phát triển những con chip chuyên dụng mang lại đồ họa 3D chân thực hơn cho game. Họ thành lập công ty ngay tại Denny's với số vốn ban đầu 40.000 USD nhưng sau đó đã chuyển địa điểm vì công việc cần sự riêng tư.

Nhà của Priem được chọn làm “cứ điểm” mới. Có không gian yên tĩnh, nhưng ở đây không có máy lạnh, công ty không có tên, điều duy nhất họ xác định được là muốn gia nhập ngành chip.

Khi ấy, card đồ họa được tạo thành từ hai chữ cái, và Priem thích âm "NV", nên nhóm bèn đặt tên công ty là Nvision với ý nghĩa “Next Vision”. Vấn đề là, đã có một số công ty lấy tên tương tự. Cuối cùng thì cái tên Nvidia ra đời - với nghĩa là “ghen tị” trong tiếng Latin.

Dẫu vậy, như bao start-up khác, không phải ai cũng ủng hộ tầm nhìn mà Nvidia hướng đến. "Sao con không kiếm một công việc đàng hoàng mà làm?", ông thuật lại lời khuyên của mẹ khi thông báo với gia đình về việc thành lập công ty sản xuất chip dùng để chơi game.

jensen huang và các cộng sự - Wall Street Journal .jpeg
Ông Jensen Huang và các cộng sự (Ảnh: Wall Street Journal)

Ván cược tỉ đô

Ngay từ khi thành lập, Nvidia đã đặt cược vào những thị trường mới mẻ, từ chơi game trên PC đến điện toán AI. Jensen Huang gọi chúng là "thị trường 100 tỉ USD" và mọi doanh nghiệp trị giá 1.000 tỉ USD đều bắt đầu với thị trường 100 tỉ USD.

Khi ấy, Huang và các cộng sự định hướng sản xuất một loại chip tốt hơn và tạo ra những công việc mới xoay quanh lĩnh vực này. Nhóm 3 người đã chia nhau làm việc để theo đuổi mục tiêu ấy. Malachowsky chịu trách nhiệm thiết kế phần cứng, Priem phát triển phần mềm và Jensen Huang chịu trách nhiệm về các quyết sách kinh doanh.

Huang khi đó vẫn ở Denny's để nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh, giá chip và tỷ suất lợi nhuận tiềm năng của công ty khởi nghiệp.

Ván cược của Huang và các cộng sự được đền đáp xứng đáng khi ngành công nghiệp trò chơi điện tử bùng nổ, card đồ họa của Nvidia cung cấp khả năng tính toán song song thực sự khiến trò chơi trở nên sống động.

Sau thời gian ngắn, công ty nhận 20 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital. Năm 1998, họ phát hành bộ điều hợp đồ họa Riva TNT. Một năm sau, GeForce 256 - GPU dòng GeForce đầu tiên ra đời, mở ra chu kỳ thành công cho hãng.

Cũng trong năm 1999, Nvidia IPO thành công và sau đó giành được hợp đồng phát triển phần cứng đồ họa cho máy chơi game Xbox của Microsoft.

Năm 2006, Nvidia giới thiệu kiến trúc CUDA, hỗ trợ tính toán song song, cho phép xử lý nhiều luồng dữ liệu cùng lúc. Đây là nền tảng cho hệ thống máy tính huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn sau này.

Sau đó, Jensen Huang nhận ra rằng các phòng thí nghiệm của trường đại học đang sử dụng chip Nvidia trong lĩnh vực AI. Đây là một lĩnh vực thích hợp trong khoa học máy tính hứa hẹn cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ trợ lý ảo cho đến ô tô tự lái.

Thành công của ChatGPT nhanh chóng tạo ra cuộc chạy đua trong lĩnh vực AI tạo sinh khi hàng loạt công ty công nghệ tìm đến H100 của Nvidia - mẫu chip được mô tả là "hệ thống đầu tiên trên thế giới được thiết kế cho siêu AI".

Từ trò chơi điện tử đến ô tô tự lái, điện toán đám mây và giờ là AI, chip của Nvidia luôn là tâm điểm của các xu hướng công nghệ chủ đạo. Hiện nay các bộ vi xử lý đồ họa GPU của Nvidia chiếm 80% thị phần trên thế giới, giúp doanh nghiệp có tuổi đời 30 năm giữ thế độc quyền trong lĩnh vực này./.