Về sự xuất hiện của doanh nhân Ngô Nhật Phương tại phiên tòa VN Pharma...

VietTimes -- Phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án mua bán thuốc ung thư giả tại Công ty VN Pharma hôm qua (25/9) bất ngờ có sự xuất hiện của một người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: ông Ngô Nhật Phương.
Ông Ngô Nhật Phương tại phiên xét xử vụ án VN Pharma. (Ảnh: Internet)
Ông Ngô Nhật Phương tại phiên xét xử vụ án VN Pharma. (Ảnh: Internet)

Không ít tờ báo tham gia tường thuật về phiên tòa gọi ông này là nhân chứng, chẳng hạn như tờ Phụ nữ Tp. HCM: “Ông Ngô Nhật Phương - doanh nhân người Việt kinh doanh xăng dầu ở Campuchia đã trình diện tại phiên tòa xử vụ buôn bán thuốc ung thư giả H-Capita vào chiều 25/9, trong tư cách một nhân chứng.”

“Trả lời hội đồng xét xử, ông Ngô Nhật Phương khẳng định có đầy đủ bằng chứng cho thấy lô thuốc H-Capita mà Công ty VN Pharma nhập về, trúng thầu vào bệnh viện đã được sản xuất tại Ấn Độ.

Cụ thể, theo ông Phương, lô thuốc H-Capita 500mg Caplet được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ”, tờ báo này viết tiếp.

Không chỉ với Phụ nữ Tp. HCM, sự xuất hiện của ông Ngô Nhật Phương thu hút sự chú ý của hầu hết các cơ quan truyền thông theo dõi phiên tòa.

“Với tư cách là người liên quan, ông Phương cho biết tài liệu đã nộp cho cơ quan điều tra và tòa án thể hiện lô thuốc VN Pharma nhập về được sản xuất tại nhà máy Ấn Độ. "Đây không phải là thuốc giả", ông này nói.

Ông Phương trình bày, có nhiều bạn làm trong Hiệp hội dược Ấn Độ, Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM. Khi biết cơ quan tố tụng Việt Nam đang điều tra, xét xử vụ án VN Pharma nhập thuốc giả, Hiệp hội dược Ấn Độ, Cơ quan điều tra Ấn Độ đã rà soát tất cả các đơn thuốc bán sang Việt Nam.

Doanh nhân Ngô Nhật Phương đã cung cấp nhiều tài liệu chứng minh lô thuốc H-Capita mà Công ty VN Pharma không phải là thuốc giả.

Doanh nhân Ngô Nhật Phương đã cung cấp nhiều tài liệu chứng minh lô thuốc H-Capita mà Công ty VN Pharma không phải là thuốc giả.

Quá trình rà soát xác định nhiều năm trước một số người Việt đặt vấn đề mua thuốc của nhà máy tại Ấn Độ nhưng đề nghị ghi xuất xứ Canada trên bao bì. Các công ty này không đồng ý, bảo bên mua tự thực hiện việc dán nhãn xuất xứ. "Hàng này sau đó được đưa từ sân bay Ấn Độ sang Singapore và chuyển về Việt Nam. Hiệp hội dược Ấn Độ khẳng định lô thuốc sản xuất tại nước họ là thuốc đạt tiêu chuẩn", ông Phương cho biết” – VnExpress tường thuật.

Tờ báo tiếng Việt nhiều người xem nhất này cho biết thêm: “Năm 2017, khi vụ án VNPharma đưa ra xét xử lần đầu, ông Phương đang kinh doanh tại Campuchia thì được người của Hiệp hội dược Ấn Độ tìm, nhờ đưa cho cơ quan tố tụng Việt Nam các tài liệu thể hiện lô thuốc H-Capita do nhà sản xuất Ấn Độ sản xuất và là thuốc thật. Ông Phương sau đó cho phiên dịch tài liệu, cùng người của hiệp hội này nộp cho tòa. Quá trình vụ án điều tra bổ sung, ông Phương được triệu tập với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan, 7 lần làm việc về các thông tin liên quan đến tài liệu cung cấp.”Chi tiết “đang kinh doanh tại Campuchia” cũng được nhiều tờ báo khác sử dụng để giới thiệu về ông Ngô Nhật Phương – nhân vật bất ngờ xuất hiện tại tòa. Nhiều người tỏ ý đánh giá cao về ông Phương - một doanh nhân dù làm ăn ở nước ngoài trong lĩnh vực xăng dầu – nhưng lại rất có trách nhiệm trong việc kết nối, cung cấp hồ sơ tài liệu nhằm làm sáng tỏ đại án dược phẩm – y tế trong nước.

Doanh nhân Ngô Nhật Phương tuyên bố rút khỏi Pharbaco nhưng thực tế thì khác... (Ảnh: Internet)

Doanh nhân Ngô Nhật Phương tuyên bố rút khỏi Pharbaco nhưng thực tế thì khác... (Ảnh: Internet)

Hoạt động của ông chủ Appollo Ngô Nhật Phương trong làng dược Việt

Trao đổi với VietTimes, một số thương nhân trong lĩnh vực dược phẩm – y tế cho biết ông Ngô Nhật Phương là một cái tên quen trong lĩnh vực dược phẩm. Tài liệu mà VietTimes thu thập được cũng củng cố cho thông tin này.

Theo đó, không chỉ hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu ở Campuchia, doanh nhân Ngô Nhật Phương (SN 1961, nguyên quán: Lương Tài - Bắc Ninh) và người thân cũng làm ăn rất tích cực tại Việt Nam. Thị trường trong nước thậm chí mới là địa bàn chính của hệ sinh thái kinh doanh này, với đa lĩnh vực, từ nông nghiệp, cơ điện lạnh, thương mại, thiết bị vệ sinh, dược phẩm và cả… “ve chai”.

Hạt nhân của hệ sinh thái này là Công ty cổ phần Appollo (Appollo) – doanh nghiệp do ông Ngô Nhật Phương sáng lập và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Ông Ngô Nhật Phương hiện cũng đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Pharbaco.

Pharbaco từng được truyền thông như một thương vụ thất bại của ông Ngô Nhật Phương khi thượng tuần tháng 7/2017, dẫn lời trên tờ Thanh niên, doanh nhân này cho biết đã “ký hợp đồng chuyển nhượng số cổ phiếu chiến lược và toàn bộ phần vốn đã đầu tư trước đó vào Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco”.

“Những công ty mua lại là Công ty cổ phần Sài Gòn Pharma, Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường, một đối tác nước ngoài và 9 cổ đông khác tại Việt Nam.

Qua thương vụ này ông Ngô Nhật Phương cho biết lỗ hơn 140 tỉ đồng. Ông Phương cũng cho biết thêm từ năm 2015 đến nay, Appollo liên tục gánh những khoản lỗ ''khủng'', như lỗ 853 tỉ đồng trong việc bán thanh lý toàn bộ cao su ở Lào, Campuchia, Bình Phước và Tây Ninh… Tiếp đó là khoản lỗ do việc thanh lý toàn bộ để chấm dứt các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến điều, thanh long, tiêu xuất khẩu với tổng lỗ hơn 1.000 tỉ đồng khiến các cổ đông lo lắng.

Trước đó, khi mua 60% cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco để trở thành cổ đông chiến lược, ông Ngô Nhật Phương đã đầu tư hơn 400 tỉ đồng thay mới toàn bộ thiết bị, dây chuyền cũ, xây mới các phòng nghiên cứu thẩm định, xây dựng lại hệ thống kho, chỉnh trang nhà máy, nâng cấp toàn bộ phần mềm quản lý… đồng thời tăng lương và chăm lo cho hoạt động của công ty, cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên” – trích bản tin trên tờ Thanh Niên.

Cũng tại bài viết, ông Phương chia sẻ về lý do rút vốn tại Pharbaco: “Tôi không phải là người làm trong ngành dược, nhưng được một số bạn bè thân hữu “rủ rê” kinh doanh lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, tôi thấy từ nhiều năm qua, thị trường dược dành cho doanh nghiệp trong nước hết sức nhỏ bé mặc dù tiềm năng với mức tăng trưởng hơn 20%. Bảo hiểm Y tế chưa phối hợp chặt chẽ với ngành dược để có những chính sách tổng thể phù hợp...”.

Song, như đã nêu, ông Ngô Nhật Phương vẫn đảm nhiệm cương vị cao nhất tại Pharbaco, giữ trọng trách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty này./.