Cùng với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ sớm có hiệu lực thời gian tới, chuyến thăm VN của Tổng thống Barack Obama được xem là cú hích quan trọng cho hoạt động trao đổi thương mại hai nước, đặc biệt là xuất khẩu VN sang Mỹ.
Sau 16 năm kể từ khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) được ký kết vào năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của VN sang Mỹ đã tăng gấp 41 lần, với 33,4 tỉ USD vào năm 2015 so với con số 800 triệu USD của năm 2000. Và theo dự báo, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của VN sang Mỹ sẽ đạt 57 tỉ USD.
Thị trường của hàng nông sản VN
“Cứ hai hạt điều mà người Mỹ ăn, có một hạt điều mua từ VN”- ông Đặng Hoàng Giang, phó chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), dẫn thông tin từ một bài báo Mỹ gần đây để khẳng định rằng hạt điều VN đã có một chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường Mỹ. Và theo Vinacas, Mỹ là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất của VN.
Chỉ trong bốn tháng đầu năm nay, thị trường này nhập hơn 28.562 tấn hạt điều VN, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị trên 220 triệu USD, tăng 18,6%.
“Cuối tháng 5 này, Vinacas sẽ có đoàn xúc tiến thương mại hạt điều tại Mỹ. Chúng tôi hi vọng chuyến đi sẽ thúc đẩy xuất khẩu hạt điều vào Mỹ được tốt hơn trong năm nay” - ông Giang cho biết.
Vừa trở về sau chuyến khảo sát các vườn vải tại Hải Dương và Bắc Giang, ông Nguyễn Xuân Nhi, giám đốc xuất khẩu của Công ty TNHH Trái cây nhiệt đới (Bến Tre) - đơn vị chuyên xuất khẩu chôm chôm và nhãn đạt chuẩn Global GAP sang các thị trường khó tính, cho biết đang chuẩn bị để tiếp tục xuất trái vải sang Mỹ và Úc, sau khi những lô vải tươi được đơn vị xuất thử nghiệm sang hai thị trường này vào năm ngoái.
Theo ông Nhi, trái vải của VN có chất lượng thơm ngon đặc trưng cũng như hệ thống hạ tầng cho xuất khẩu đã hoàn thiện, với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử) vừa được nâng cấp phục vụ chiếu xạ hoa quả tươi xuất khẩu, không phải tốn thêm chi phí vận chuyển vào TP.HCM để chiếu xạ như trước.
“Cái khó là mùa vải của VN năm nay chín muộn, trùng với thời điểm vải của Mexico, Thái Lan và Trung Quốc nên xuất khẩu sẽ khó khăn hơn do chi phí vận chuyển của VN cao hơn” - ông Nhi cho biết.
Trái cây tươi là một trong những mặt hàng mới của VN xuất khẩu sang Mỹ, nhưng đây cũng là ngành xuất khẩu có tốc độ phát triển khá cao do nhu cầu của Mỹ rất lớn.
Kể từ năm 2008, khi thanh long là trái cây tươi đầu tiên của VN được xuất sang Mỹ, đến nay đã có thêm chôm chôm, nhãn, vải. Đặc biệt, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất các loại trái cây tươi của VN trong số các thị trường khó tính đã mở cửa (bên cạnh Nhật, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan...).
Ngoài trái cây, Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của VN như thủy sản, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, đồ gỗ.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra, tôm và cá ngừ VN trong 4 tháng đầu năm, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của cả ngành là 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng mặt hàng tôm đạt kim ngạch gần 200 triệu USD, tăng 21,8%.
Dệt may, da giày tận dụng cơ hội mới
Ngay từ khi BTA được ký kết vào năm 2000, thị trường Mỹ đã được dự báo sẽ là đối tác hàng đầu của VN, nhất là đối với ngành xuất khẩu lớn nhất là dệt may và da giày.
Và thực tế cũng cho thấy tổng kim ngạch hàng dệt may vào Mỹ hiện đã xấp xỉ 11 tỉ USD, tăng hơn 217 lần so với con số 50 triệu USD vào năm 2000. Riêng bốn tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp dệt may VN đã xuất được 3,4 tỉ USD sang Mỹ, chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vinatex), TPP sẽ là “cú hích” lớn cho các doanh nghiệp tăng xuất khẩu, khai thác thêm bạn hàng mới từ quốc gia có lợi thế rất lớn của ngành dệt may VN trong TPP.
“Hầu hết các doanh nghiệp lớn của ngành dệt may VN đều có tỉ trọng xuất khẩu khá lớn sang thị trường Mỹ. Nhiều doanh nghiệp dệt may cũng đã điều chỉnh lại chiến lược phát triển thị trường, chọn Mỹ làm thị trường chính thay cho EU như cách đây vài năm” - ông Giang thông tin.
Tương tự, ngành da giày đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỉ USD vào Mỹ năm 2015 và khoảng 1,33 tỉ USD trong bốn tháng đầu năm 2016, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành hàng này, vượt qua thị trường chủ lực lâu nay là EU.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Công ty CP đầu tư và sản xuất giày Thái Bình (TBS Group) - đơn vị có tỉ trọng xuất khẩu giày sang Mỹ chiếm đến 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu - cho biết chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên, chưa kể hiện tượng mẫu mã thường bị đánh cắp tại thị trường này, nên số đơn hàng chuyển dịch về VN ngày một nhiều. Cho đến nay, hầu hết các thương hiệu lớn của Mỹ đều chọn VN làm “cứ điểm” sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thuấn (chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách VN), dù TPP sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành dệt may và da giày VN, nhưng trở ngại chính của ngành da giày VN hiện nay là khả năng tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu còn hạn chế, chưa kể các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang chiếm ưu thế khi chiếm gần 79% trong tổng kim ngạch và tỉ trọng xuất khẩu của ngành hàng này.
Trong khi đó, ông Lê Quang Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn, cho rằng làm ăn với Mỹ không phải là chuyện dễ dàng hiện nay.
Chẳng hạn, với ngành hàng dệt may, chưa nói đến chất lượng và mẫu mã, tốc độ thời gian giao hàng đã là một thách thức với nhiều doanh nghiệp.
“Thị trường Mỹ thay đổi mẫu rất nhanh. Giao chậm, mẫu đổi, đối tác không bán được hàng là gặp khó ngay. Do đó, thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn, hiện chỉ còn 75 ngày thay vì 90 ngày như trước và không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được” - ông Hùng cho biết.
VN dẫn đầu ASEAN xuất khẩu vào Mỹ
Theo một báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), từ tỉ lệ khiêm tốn là 1% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ năm 2000, VN hiện đã vượt qua các đối thủ chính trong khu vực là Thái Lan, Malaysia và Indonesia để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất khu vực vào thị trường Mỹ.
Cũng theo AmCham, xuất khẩu của VN sang Mỹ sẽ còn tăng mạnh trong các năm tiếp theo. Đến năm 2020, xuất khẩu của VN vào Mỹ dự báo đạt xấp xỉ 57 tỉ USD và chiếm 34,1% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực ASEAN vào thị trường này, đồng thời bỏ xa giá trị xuất khẩu của các nước còn lại.
Người Mỹ dùng túi xách VN
Sản phẩm túi xách cũng đang được phần lớn các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài lập nhà máy sản xuất tại VN.
Do đó, thị trường này đã trở thành “mỏ vàng” của ngành túi xách VN trong những năm gần đây, với kim ngạch xuất khẩu năm sau tăng hơn năm trước. Riêng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm túi xách VN sang Mỹ đạt gần 3 tỉ USD, tăng 51,5% so với cách đây ba năm.
Theo Tuổi trẻ