Sau những tác động đến thu ngân sách và lợi nhuận các doanh nghiệp, việc giá dầu giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động trong ngành dầu khí
PV Drilling (mã PVD) - doanh nghiệp trực tiếp cung cấp giàn khoan và các dịch vụ liên quan - đã cắt giảm 22% chi phí nhân công trong năm 2015, xuống còn gần 3.000 tỷ đồng.
Tại công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (mã PVC), chi phí nhân công giảm còn bằng một nửa so với năm 2014, xuống mức 82 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam – PTSC (mã PVS) có mức giảm nhẹ, khoảng 10 tỷ đồng, sau khi chi phí nhân công của công ty này tăng đến 34% trong năm 2014. PTSC hoạt động trải dài trên nhiều lĩnh vực, gồm cả chế tạo cơ khí, dịch vụ cảng biển... nên mức độ tác động của cắt giảm chi phí nhân viên nhiều khả năng sẽ không lớn như PV Drilling.
Riêng 2 công ty PVGas (mã GAS) và công ty Vận tải Dầu khí – PVTrans (mã PVT) đi ngược xu hướng khi tăng chi phí trong năm 2015, với mức tăng 13% và 6%.
Nhìn chung tổng chi phí nhân công của 5 công ty dầu khí lớn đang niêm yết trên sàn giảm 10% trong năm 2015, do tác động của PV Drilling.
Một nhân viên giàn khoan của PVDrilling cho biết từ mức thu nhập 20 – 30 triệu đồng/ tháng, trong năm qua mức lương của anh bị giảm 25% thu nhập cơ bản. Khoản phụ cấp đi giàn vốn chiếm quá nửa thu nhập cũng giảm đáng kể do tình trạng các giàn khoan không có khách thuê.
Mặc dù vậy, anh vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác chưa phải đối mặt với áp lực bị sa thải. Điều này đã diễn ra ở một số nhà thầu nước ngoài.
Như tại Vietsovpetro, sau khi cắt giảm 400 chức danh trong năm 2015, liên doanh này cho biết sẽ cắt giảm 2.000 nhân viên trong vòng 5 năm tới. Hiện số lao động làm việc tại liên doanh là 7.200 người.
Nếu áp tỷ lệ này vào toàn ngành, hàng chục nghìn lao động sẽ có nguy cơ mất việc trong các năm tới. Ước tính của Petrovietnam đến cuối năm 2014, có khoảng 55.000 lao động đang làm việc trong tập đoàn này.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp dầu khí đang cắt giảm tối đa chi phí để ứng phó với giá dầu thấp thì chi phí nhân viên chắc chắn sẽ là đối tượng cắt giảm hàng đầu. Nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp như hiện nay, viễn cảnh sa thải nhân công hàng loạt trong ngành dầu khí hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước đó, việc giá dầu giảm đã tác động ngay đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Năm 2016, Bộ Tài Chính chỉ dự toán thu 54 nghìn tỷ từ dầu thô, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Dầu thô giờ chỉ là nguồn thu thứ yếu của ngân sách, chiếm 5,4%, thấp hơn nhiều khoản thuế khác.
Tiếp đến, giá dầu thấp đã ăn mòn lợi nhuận của hàng loạt doanh nghiệp trong ngành dầu khí. Điển hình là PVGas, khi lợi nhuận của công ty này giảm đến 38%.
PVDrilling dù đã giảm mạnh chi phí nhân công vẫn chấp nhận lợi nhuận thấp hơn 34% so với năm 2014. Các con số này tại PTSC là 26% và công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí là 43%.
Mặc dù vậy, người lao động vẫn chưa phải là đối tượng cuối cùng bị tác động của việc giá dầu lao dốc trong hơn 1 năm qua.
Các ngân hàng, với những khoản cho công ty trong ngành dầu khí vay hàng trăm, nghìn tỷ có thể sẽ là đối tượng tiếp theo. Lý do là các khoản vay (trái phiếu hay tín dụng) này đều được xây dựng phương án trả nợ trên cơ sở giá dầu hàng trăm USD/ thùng, cao hơn rất nhiều so với hiện nay.
Theo Trí thức trẻ