Hàng tiểu ngạch, 20 tỷ USD và hai chữ “rất nguy”

2 tháng trước, sau “phát biểu chấn động nghị trường” của ĐBQH-TS. Mai Chí Tín về “20 tỷ USD hàng Trung Quốc vào Việt Nam không qua kiểm soát”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Tất nhiên, có tình trạng buôn lậu, có gian lận thương mại. Điều đó không tính hết được. Nhưng không phải lên đến con số như vậy”.
Không lên đến 20 tỷ USD thì là bao nhiêu? - Câu hỏi ấy có lẽ không chỉ ông Mai Chí Tín vẫn chờ được trả lời.
Không lên đến 20 tỷ USD thì là bao nhiêu? - Câu hỏi ấy có lẽ không chỉ ông Mai Chí Tín vẫn chờ được trả lời.

Bởi dù bao nhiêu thì bản chất vẫn là buôn lậu, là không qua kiểm soát. Bởi bao nhiêu thì vẫn là nguy cơ nền kinh tế bị thôn tính trong điều kiện bình thường chứ không phải chờ đến lúc đồng nhân dân tệ liên tục phá giá và nguy cơ về một “cuộc chiến tiền tệ” như hiện nay.

2 tháng và những tệ hại tiếp tục xuất hiện.

Số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy: Tổng mứcnhập khẩutrong 7 tháng đầu năm từ Trung Quốc đã lên đến 28,4 tỷ USD. Trong khi đó,xuất khẩusang Trung Quốc chỉ đạt hơn 9 tỷ USD. Và tổng mức nhập siêu từthị trườngTrung Quốc trong tháng 7 đã lên tới 19,3 tỷ USD.

Nhưng cái nguy không chỉ nằm trong tỷ trọng quá lớn, quá mất cân đối kể cả từ con số lẫn chủng loại hàng hóa. Cái nguy ở chỗ đây mới chỉ là những con số thống kê chính thức có thể thống kê.

Chuyện thời sự hơn, sau khi đồng nhân dân tệ phá giá với ưu thế dành cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, những khảo sát của báo chí cho thấy hàng tiêu dùng Trung Quốc “như hổ thêm cánh” ngày càng rẻ, tiếp tục chiếm lĩnh tuyệt đối thị trường Việt Nam. Từ đồ chơi trẻ em, đồ dùng học sinh, quần áo đến kim chỉ, khuy áo, dây thun, tăm xỉa răng, nơ kẹp tóc và thậm chí là cả… “mỹ phẩm 5.000 đồng”. Và hầu hết, đều là hàng… tiểu ngạch!

Nhưng cái nguy lớn nhất là việc câu hỏi trước Quốc hội về “20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc không qua kiểm soát” không thể trả lời.

Trên báo chí, quan chức Tổng cục Thống kê thừa nhận sau 2 tháng tìm hiểu, lượng hóa trong con số 20 tỷ USD xem bao nhiêu phần do buôn lậu, bao nhiêu phần do thống kê, đơn vị này vẫn chưa thể tìm ra lời giải.

Còn chữ “nguy” là từ bình luận của ông Phạm Anh Tuấn (Ban Kinh tế Trung ương) rằng: “Nếu không lượng hóa được nguyên nhân mà độ vênh số liệu xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc cứ tăng dần lên thì “không ổn”. Rằng: Chúng ta nói gian lận thương mại với Trung Quốc đang rất phổ biến, hàng tạm nhập tái xuất có vấn đề, vậy mà bảo “không trả lời được” thì rất nguy”.

Nguy ở sự lệ thuộc về kinh tế. Nguy ở chỗ chẳng biết thực chất không đến như vậy thì là bao nhiêu!

Theo Báo Lao Động