Hàng nghìn người đi bộ giữa trời nắng hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá

VietTimes -- Hơn 1.000 người đã tập trung tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sáng nay, 26/5, để đi bộ hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ 25 – 31/5.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ông Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cùng nhiều đại biểu đi bộ giữa trưa nắng để hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), ông Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cùng nhiều đại biểu đi bộ giữa trưa nắng để hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá.

Đây là sự kiện thường niên do Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức. Chủ đề của lễ mít tinh năm nay là “Cuộc sống không khói thuốc”. Cùng tham gia sự kiện này có đại diện của Bộ Y tế; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội và WHO tại Việt Nam vv...

Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi như ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những căn bệnh này không chỉ khiến người mắc có nguy cơ tử vong cao, mà còn đe dọa nguồn lực của xã hội. 

Tại Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra tác hại của thuốc lá tới sức khỏe cộng đồng: có tới 96,8% người tử vong vì ung thư phổi, 75% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 73% người mắc các bệnh không lây nhiễm từng hút thuốc lá. 

Các đại sứ của chương trình - những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng như Noo Phước Thịnh, Chí Nhân, cầu thủ Quang Hải - thả bóng bay phát động sự kiện
Các đại sứ của chương trình - những ca sĩ, diễn viên nổi tiếng như Noo Phước Thịnh, Chí Nhân, cầu thủ Quang Hải - thả bóng bay phát động sự kiện.

Còn theo WHO, khói thuốc cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, gây tàn phế và tử vong cho cả người hút thuốc và người hút thuốc thụ động. Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có tới 165.000 trẻ em tử vong trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động.

Trước thực trạng sức khỏe cộng đồng bị đe dọa bởi những điếu thuốc lá, thế giới đã lựa chọn ngày 31/5 là Ngày thế giới không thuốc lá. 

Năm nay, ngày 31/5 có chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”, hướng tới những biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe, không hút thuốc, giảm tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động; nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá và vai trò của hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại sự kiện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại sự kiện.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, hiện nay, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có ở cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công nhân viên chức; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi pham về phòng, chống tác hại thuốc lá…

Nhờ đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành và tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm mạnh. Theo thống kê năm 2015 (đối chiếu với số liệu thống kê năm 2010), tại các trường đại học, tỷ lệ nói trên giảm từ 54,3% xuống còn 37,9%; trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%; tỷ lệ hút thuốc trong gia đình giảm từ 73,1% xuống 59,9%, tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6%.

Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng tăng từ 55,5% lên 61,2% người tin rằng hút thuốc gây ra các bệnh đột quỵ, tim mạch; tăng từ 87% lên 90,3% người tin rằng hút thuốc thụ động gây các bệnh nguy hiểm.

Với kết quả này, năm 2019, 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 – 31/5.

Thông qua sự kiện, Bộ Y tế và WHO mong muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc, kêu gọi người dân bỏ hút thuốc lá vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.