Hàng ngàn nhân viên y tế nghỉ việc có phải mối nguy với ngành y?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM hiện tại vẫn đang phải đối mặt với hiện tượng hàng ngàn nhân viên y tế nghỉ việc, cao hơn hẳn trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Bác sĩ Lê Minh Khôi trực chiến tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM suốt 8 tháng mới được về nhà
Bác sĩ Lê Minh Khôi trực chiến tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM suốt 8 tháng mới được về nhà

Nhân viên ngành y thiếu trầm trọng

Sở Y tế TP.HCM cho hay, TP.HCM tiếp tục phải đối mặt với việc hàng ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng cho hay: “Các năm trước, bình quân có khoảng 400 – 500 nhân viên y tế xin nghỉ việc mỗi năm. Riêng năm nay, đã có khoảng 1.000 người xin nghỉ, chắc chắn là do kiệt sức sau gần 8 tháng chống dịch”.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, số lượng nhân viên y tế cơ sở tính trên 10.000 dân tại TP.HCM hiện nay chưa đến 4%. Hiện nay quy định biên chế của trạm y tế phường xã là 5 người, nếu phường xã quy mô 18.000 dân thì không quá 10 người. TP.HCM có nhiều phường xã có trên 50.000, 100.000 người trở lên. Cá biệt, có những xã như Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có 125.000 dân. Đi qua những đợt cao điểm đỉnh dịch năm vừa rồi, lực lượng nhân viên y tế phải chống chịu ở mức cao nhất.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - thừa nhận về phân bổ nhân lực y tế cơ sở, TP.HCM ở mức thấp nhất, chỉ có 2,31 nhân viên/1 vạn dân, thấp hơn Hà Nội (khoảng 8 nhân viên y tế cơ sở/1 vạn dân). Sở Y tế đã có tờ trình UBND TP.HCM về củng cố, nâng cao y tế cơ sở, đề xuất chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế…

Để giữ chân lực lượng y tế, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, lãnh đạo ngành y tế TP.HCM đã đề xuất các chính sách hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế. Ngoài ra, Sở Y tế cũng vừa kiến nghị với UBND TP.HCM sớm thông qua cơ chế mới.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Tuổi trẻ

Cập nhật thông tin mới nhất từ ngành y TP.HCM cho biết, cơ chế mới này cho đến hiện tại vẫn chưa được thông qua.

Nhân viên y tế nghỉ việc có phải mối nguy?

Trả lời VietTimes, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi – Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết riêng với BV Đại học Y Dược TP.HCM và Trung tâm Hồi sức COVID-19 trực thuộc Bệnh viện thì không có hiện tượng này. “Ở đây chỉ có người xin vào chứ ít trường hợp rời đi”, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi nói.

“Thực tế là, quãng thời gian trải qua dịch bệnh khốc liệt vừa rồi, Ban Giám đốc BV Đại học Y Dược TP.HCM rất quan tâm đến đời sống của anh chị em nhân viên ngành y, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần để anh chị em vững vàng trên tuyến đầu. Chính vì thế, ngay cả giữa đại dịch, chúng tôi vẫn yên tâm, dấn thân cho công cuộc cứu chữa bệnh nhân, cùng thành phố vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất” - PGS.TS.BS Lê Minh Khôi tự sự.

Bàn về sự chênh lệch khá lớn giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi cho rằng: “Chúng tôi không nghĩ là có sự chênh lệch nhiều đâu. Hơn nữa, ngay cả các bệnh viện tư nhân lớn nhất TP.HCM như BV Hoàn Mỹ, Xuyên Á, Vạn Hạnh… cũng vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế, đặc biệt là giai đoạn biến cố lớn giữa “bão” COVID-19”.

Điều trị bệnh nhân ở Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Điều trị bệnh nhân ở Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Đánh giá về việc có hay không sự lãng phí chi phí đào tạo khi hàng ngàn nhân viên y tế bỏ việc, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi – đồng thời cũng là một giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM cho hay: “Tôi không nghĩ là có sự lãng phí hay thất thoát. Có thể nguồn lực này được dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Hoặc nguồn lực đã được đầu tư cho đào tạo nhân viên y tế nhưng khi nhân viên cụ thể nào đó quyết định rời ngành thì chắc chắn họ đã chọn được một con đường tốt hơn cho cuộc sống. Điều này là hoàn toàn bình thường, bởi vì ngay kể cả một môi trường rất tốt cũng chỉ phù hợp với tuỳ từng người, không có môi trường nào tốt cho tất cả mọi người”.

Kiến nghị về giải pháp cho thực trạng này, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi đề xuất: “Thực tế cần nhìn rõ, chúng ta là nước nghèo, phải làm sao để cho người dân được hưởng những chăm sóc y tế tốt nhất từ tuyến cơ sở. Mà lực lượng của chúng ta còn mỏng quá, yếu quá, điều này thể hiện rất rõ trong đại dịch. Chính phủ và lãnh đạo các thành phố hãy nghĩ đến việc làm thế nào để chia “miếng bánh” y tế cho tuyến cơ sở được cân bằng hơn, mang lại tâm lý yên tâm hơn cho nhân viên y tế tuyến cơ sở”.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi đặt vấn đề phải làm sao để cho người dân được hưởng những chăm sóc y tế tốt nhất từ tuyến cơ sở

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi đặt vấn đề phải làm sao để cho người dân được hưởng những chăm sóc y tế tốt nhất từ tuyến cơ sở

“Ngược lại, về phía nhân viên y tế, cũng nên nghĩ kỹ xem mình có xứng đáng với sự kỳ vọng của xã hội hay không? Mình đã làm tốt vai trò và nghĩa vụ hay chưa? Đâu phải nhân viên y tế nào cũng luôn học hỏi, trau dồi, cập nhật? Có những người cũng đã “đứng lại”, sa đà vào suy nghĩ tiêu cực. Đừng nghĩ mình học xong 6 năm ngành y là ghê gớm lắm. Cần đặt bản thân vào đúng hoàn cảnh đất nước, biết mình tin vào điều gì, nỗ lực vì điều gì thì mới có tương lai tươi sáng hơn” - PGS.TS.BS Lê Minh Khôi nói thêm.

Nhớ lại giai đoạn mới vào lập nghiệp ở TP.HCM, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi cho hay, hai vợ chồng anh cùng hai đứa con nhỏ đã chia sẻ không gian sống trong một nửa căn hộ nhỏ, tức là căn hộ 52 mét vuông được chia đôi, gia đình anh sống trong diện tích khoảng 29 mét vuông, được thuê ở gần Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để tiện đi lại làm việc. “Điều kiện hạn chế lắm nhưng biết thu xếp thì cuộc sống vẫn vui. Cứ làm tốt nhất công việc của mình, rồi đến lúc mọi thứ sẽ thay đổi” - PGS.TS.BS Lê Minh Khôi nói.

Đánh giá ý kiến cho rằng có thể người này ra đi lại là cơ hội cho người khác tới, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi khẳng định: “Chắc chắn không phải như thế và không cần như thế. Mặc dù TP.HCM đã là một trong những thành phố đào tạo y dược tốt nhất trong khu vực, nhưng với tốc độ đào tạo hiện tại, vẫn chưa đủ đáp ứng nhân sự ngành y. Như đợt đại dịch vừa rồi, TP.HCM phải đi xin chi viện rất nhiều, đến mấy chục ngàn nhân viên y tế. Còn trong điều kiện bình thường, thì nhân viên y tế tuyến cơ sở vẫn thiếu trầm trọng như thực tế đã cho thấy. Các em sinh viên y dược cứ tốt nghiệp ra đảm bảo đều tìm được vị trí trong guồng máy xã hội”.