Muốn hỗ trợ 40 nhân viên y tế BV Tuệ Tĩnh bị nợ lương, Enter Plus của ai, lớn cỡ nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Tự nhận là một tập đoàn lớn có hoạt động trải dài khắp cả nước, ít ai biết rằng, CTCP Tập đoàn Enter Plus mới được thành lập cách đây ít tháng.
Bác sĩ yêu cầu Bệnh viện Tuệ Tĩnh trả lương (Ảnh - Minh Nhân)
Bác sĩ yêu cầu Bệnh viện Tuệ Tĩnh trả lương (Ảnh - Minh Nhân)

Ngày 13/1/2022, CTCP Tập đoàn Enter Plus (Enter Plus) phát đi thông cáo cho biết muốn được hỗ trợ giải quyết sự việc hơn 40 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh – thuộc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam – ‘cầu cứu’ vì bị nợ lương.

Enter Plus bày tỏ, nếu nhận được sự thống nhất của các cơ quan và nguyện vọng của người lao động, công ty sẽ tiếp nhận toàn bộ 40 cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh chuyển biên chế sang làm việc tại đơn vị này, đảm bảo mọi chế độ về lương thưởng, bảo hiểm và sắp xếp vào các vị trí công việc phù hợp.

Trong thông cáo phát đi, Enter Plus tự giới thiệu là một tập đoàn lớn có hoạt động trải dài khắp cả nước, chuyên phân phối các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe liên quan đến đông dược.

Tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes thể hiện, Enter Plus có tuổi đời khá trẻ, mới được thành lập vào giữa tháng 7/2021, đặt trụ sở tại một số nhà trên đường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Định vị Enter Plus

Ban đầu, Enter Plus có quy mô vốn điều lệ 100 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Bùi Quyết Thắng (50% VĐL), ông Nguyễn Chí Dũng (10% VĐL), ông Đoàn Đức Long (10% VĐL), ông Vũ Việt Thắng (10% VĐL), ông Lê Hữu Sơn (10% VĐL) và ông Bùi Công Thiện (10% VĐL) – Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Nắm giữ một nửa số cổ phần Enter Plus, ông Bùi Quyết Thắng (SN 1972) còn đứng tên tại Hợp tác xã công nghiệp Vững Tiến, Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Ngọc Lâm, Công ty TNHH Đầu tư Greenland Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng và Xuất nhập khẩu Thiên Ân. Tổng giám đốc Enter Plus, ông Bùi Công Thiện (SN 1980) còn giữ vai trò người đại diện theo pháp luật tại CTCP Tân kinh đô Kim Sơn, Công ty TNHH Quản lý và Khai thác tài sản Á Châu, CTCP Đầu tư Rakkii.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Sơn (SN 1975) là cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn dược Đông Dương (Immedico) và CTCP Tập đoàn Rarevina (Rarevina).

Thành lập từ tháng 3/2021, Rarevina được giới thiệu là nhà phân phối thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Havircin - do Immedico làm thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Về phía Immedico, theo dữ liệu của VietTimes, công ty này được thành lập vào tháng 9/2021, với quy mô điều lệ 20 tỉ đồng. Trong đó, ông Lê Hữu Sơn góp 6 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ sở hữu 30% vốn điều lệ. Các cổ đông sáng lập còn lại của Immedico bao gồm các ông Hoàng Duy (SN 1982), ông Nguyễn Anh Lâm (SN 1944) và ông Lê Tuấn Can (SN 1981) – cùng thường trú tại TP. Hà Nội – mỗi người nắm giữ 20% vốn điều lệ; ông Trần Văn Chung (SN 1982, thường trú tại Hưng Yên) với tỉ lệ sở hữu 10% vốn điều lệ.

Ngoài ra, ông Vũ Việt Thắng – cổ đông nắm 10% vốn Enter Plus – đang đứng tên tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Thông minh Toàn Cầu.

Trong khi đó, ông Hoàng Duy – cổ đông nắm 20% vốn Inmedico – còn là người đại diện theo pháp luật của CTCP Tập đoàn Phát triển Cyctech, CTCP Tập đoàn Dược Hoàng Nguyên

Ông Trần Văn Chung – cổ đông nắm 10% vốn Inmedico – đứng tên tại Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Phương Bình.

Lưu ý rằng, các pháp nhân kể trên chủ yếu mới được thành lập vào nửa cuối năm 2021.

Harvicin có giúp điều trị Covid-19?

Tháng 12/2021, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã tiếp nhận thông tin liên quan tới một văn bản của Viện khoa học phát triển nông nghiệp nông thôn (đề ngày 6/12/2021) có nội dung về “giải đáp hiệu quả viên uống HAVIRCIN qua Chương trình Yêu thương mùa Covid”.

Theo Cục An toàn thực phẩm, một số nội dung trong văn bản trên không đúng với hồ sơ sản phẩm, không phù hợp với nội dung đã được xác nhận quảng cáo và không đúng công dụng gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh.

Đồng thời, cơ quan này đã liên hệ với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - cơ quan chủ quản của Viện khoa học phát triển nông nghiệp nông thôn – để yêu cầu thu hồi văn bản và đính chính thông tin.

“Không có thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có tác dụng diệt virut, hỗ trợ điều trị Covid-19. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời”, Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh./.