Sau khi Quốc hội Venezuela bác bỏ tính hợp pháp của nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Nicolas Maduro, Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido ngày 23/1/2019 tuyên bố làm tổng thống lâm thời cho đến khi tổ chức một cuộc bầu cử mới.Ông Guaido nói rằng tuyên bố của ông là hợp hiến pháp vì hiến pháp quy định Chủ tịch Quốc hội có quyền làm tổng thống lâm thời trong trường hợp không có tổng thống.
Sau nhiệm kỳ đầu tiên đưa quốc gia từng giàu có rơi vào tình trạng nghèo đói và siêu lạm phát, nhà lãnh đạo cánh tả - đương kim Tổng thống Maduro cương quyết không từ bỏ quyền lực, tuyên bố chỉ tổ chức bầu cử vào năm 2025 khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ 2.
Hàng ngàn người hôm 1/5 đã xuống đường biểu tình phản đối Tổng thống Nicolas Maduro, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời (tự xưng) Juan Guaido, theo Reuter tường thuật.
Ông Hiter Nokers, 46 tuổi, một người biểu tình, nói rằng ông tham gia diễu hành “vì tương lai của đất nước tôi”. “Vì con cái và gia đình tôi”, ông nói. “Chúng tôi đã bị áp bức trong quá nhiều năm rồi.”
Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Juan Guaido đứng trước hàng ngàn người ủng hộ trong cuộc biểu tình phản đối chính quyền Maduro ngày 1/5/2019 (Ảnh: Reuters)
|
Oriana Andrade, một sinh viên điều dưỡng 22 tuổi, cho biết cô diễu hành vì “chúng tôi có những người chết vì thiếu” vật tư y tế.
“Gia đình tôi đã di cư, nhưng tôi không muốn rời đi”, Diego Rodriguez, 27 tuổi, nói. “Động lực cơ bản của tôi là sự thay đổi. Xuất hiện trên đường phố là cách để chúng tôi bày tỏ quan điểm của mình.”
Mỹ-Nga gia tăng căng thẳng vì Venezuela
Hoa Kỳ và Nga đã trao đổi các cảnh báo chống can thiệp Venezuela vào thứ Tư, một ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cáo buộc Moscow ngăn Tổng thống Nicolas Maduro rời khỏi đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói với ông Pompeo qua điện thoại rằng những “bước đi mạnh mẽ hơn nữa” tại Venezuela sẽ gây ra hậu quả nặng nề, Bộ trưởng Nga nói. Nga nhấn mạnh rằng sự can thiệp của Washington vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền và các mối đe dọa đối với sự lãnh đạo của họ là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tham dự một cuộc họp báo tại một nhà kho nơi lưu trữ viện trợ nhân đạo quốc tế cho Venezuela, gần cây cầu xuyên biên giới La Unidad giữa Colombia và Venezuela ở Cucuta, Colombia ngày 14 tháng 4 năm 2019. (Ảnh: REUTERS)
|
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết ông Pompeo kêu gọi Nga ngừng hỗ trợ Maduro. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự can thiệp của Nga và Cuba đang gây bất ổn cho Venezuela và cho mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Nga. Hôm 30/4, ông Pompeo đã cáo buộc Nga can thiệp để thuyết phục Maduro từ bỏ kế hoạch chạy trốn khỏi đất nước theo sau lời kêu gọi của lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido cho quân đội Venezuela, giúp ông hất cẳng Maduro. Nga đã bác bỏ cáo buộc đó hôm 1/5, với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova gọi đó là tin giả mạo.
Số người Venezuela chạy trốn sang Brazil tăng vọt
Trong khi đó số lượng người Venezuela trốn sang Brazil ngày 30/4 đã tăng vọt gần gấp 3, theo dữ liệu của chính phủ Brazil công bố hôm thứ Tư. Khoảng 850 người Venezuela đã đến Brazil vào ngày 30/4 bằng cách đi bộ, chính phủ cho biết, so với con số thông thường là từ 250 đến 300.
Những người di cư đến bang Brazil Loraima, một trong những bang cô lập và nghèo nhất, giáp biên giới Venezuela và đã chứng kiến hàng ngàn người di cư đến trong những tháng gần đây. Một cuộc di cư rộng hơn đã đẩy hàng triệu người Venezuela phần lớn đến Colombia và Peru.