|
Hàng loạt quốc gia phản đối sự "chèn ép" của Apple đối với các nhà phát triển ứng dụng (Ảnh: The Next Web) |
Apple đã được hưởng lợi rất nhiều từ kho ứng dụng App Store cùng hệ sinh thái của mình. Cụ thể Apple đã kiếm về hơn 100 tỷ USD từ các loại phí nền tảng. Nhiều công ty và nhà lập pháp trên toàn thế giới đang xem xét kỹ lưỡng sự độc quyền của gã khổng lồ công nghệ này. Nhiều tổ chức cho rằng nếu có thêm nhiều quy định và các phiên tòa chống độc quyền, có thể Apple sẽ cho phép khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán trên App Store.
Trước khi đến với những cái tên đại diện cho chiến dịch chống độc quyền của Apple, chúng ta hãy cùng tìm hiểu phương thức thanh toán mà ông lớn công nghệ đang áp dụng trong App Store.
Apple lần đầu tiên đưa ra mức phí 30% trên mỗi giao dịch mua hàng trong ứng dụng vào năm 2011. Đây là lý do khiến một số ứng dụng như Spotify phải tăng giá trên App Store để bù đắp cho khoản cắt giảm mà Apple tạo ra.
Đáng buồn thay, những nhà phát triển ứng dụng này thậm chí không được phép thông báo cho khách hàng về những lựa chọn thanh toán thay thế, ví dụ như việc đăng ký gói Premium trên web.
|
Spotify không tích hợp tùy chọn nâng cấp lên gói premium trên iPhone để tránh phí cắt giảm từ App Store (Ảnh: The Next Web) |
Tuy nhiên, những điều này đang thay đổi trong vài năm gần đây. Vào năm 2020, Apple đã quyết định giảm mức phí từ 30% xuống còn 15% đối với các nhà phát triển kiếm được 1 triệu USD, hoặc hoạt động dưới một năm trên App Store.
Tháng 8 năm ngoái, Apple đã cho phép các nhà phát triển thông báo với khách hàng của mình về các phương thức thanh toán thay thế thông qua email. Nhưng hầu hết các khách hàng đều sẽ bỏ qua những email thông báo kiểu vậy.
Điều đó đã dẫn đến các quy định cụ thể buộc Apple cho phép nhà phát triển lựa chọn phương thức thanh toán cho giao dịch ảo trên app của họ.
Dưới đây là danh sách các quốc gia đang chống lại độc quyền kho ứng dụng App Store của Apple
Hàn Quốc
Năm ngoái, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra quy tắc về hệ thống thanh toán thay thế bắt buộc cho cửa hàng ứng dụng App Store và Google Play Store.
Hồi đầu tháng, Apple đã đệ trình kế hoạch tuân thủ của mình lên Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) kèm theo chi tiết phí dịch vụ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ngày ra mắt hệ thống nâng cấp này.
Công ty có trụ sở tại Cupertino cho biết vào thời điểm đó, App Store hỗ trợ hơn 580.000 nhà phát triển có trụ sở tại Hàn Quốc, với hơn 1,4 triệu ứng dụng có sẵn trong cửa hàng của quốc gia này.
Nhật Bản
Tháng 9 năm ngoái, Apple đã đồng ý giải quyết một cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) và cho phép các ứng dụng "đọc" chèn liên kết đến tùy chọn thanh toán bên thứ ba trên App Store.
Điều này không chỉ bao gồm các ứng dụng cho phép người dùng đọc sách hoặc tạp chí. Nó bao gồm tất cả các tạp chí kỹ thuật số, báo, sách, âm thanh, âm nhạc và video. Vì vậy, các ứng dụng như Netflix và Spotify cũng sẽ có thể hưởng lợi từ phán quyết này.
Trong một bản thông cáo báo chí, Apple cho biết họ sẽ phát hành hướng dẫn cho các nhà phát triển vào đầu năm 2022.
Hà Lan
Cuối tuần qua, Apple đã đồng ý cho phép các ứng dụng hẹn hò ở Hà Lan sử dụng phương thức thanh toán thay thế sau khi Cơ quan Thị trường và Người tiêu dùng Hà Lan (ACM) cáo buộc công ty vi phạm luật cạnh tranh.
Apple tuyên bố sẽ kháng cáo tại tòa án có thẩm quyền cao hơn, nhưng vẫn nhượng bộ bằng cách cho phép các nhà phát triển ứng dụng hẹn hò có thể áp dụng phương thức thanh toán thay thế với một bên thứ ba trong nước.
|
Apple cho phép các ứng dụng hẹn hò tại Hà Lan sử dụng phương thức thanh toán thay thế (Ảnh: The Next Web) |
Để làm được như vậy, các nhà phát triển phải tạo một phiên bản riêng biệt cho App Store tại Hà Lan.
Nga
Vào tháng 10/2021, cơ quan giám sát chống cạnh tranh Nga mở một phiên tòa chống lại Apple vì đã không thực hiện đúng hạn chính sách cho phép các nhà phát triển áp dụng phương thức thanh toán thay thế, thỏa thuận ban đầu là vào ngày 30/9. Tháng 12 năm ngoái, công ty chính thức phản đối nhận định trên bằng văn bản pháp lý, hiện tại tranh chấp giữa hai bên vẫn chưa kết thúc.
Mỹ
Trong vụ kiện giữa Apple và Epic Games, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers đã yêu cầu Apple cho phép phương thức thanh toán từ bên thứ ba. Tuy nhiên, Apple đã kháng cáo thành công tại Tòa Phúc thẩm.
Ngoài ra, một dự luật của lưỡng đảng ra mắt vào tháng 8 đồng lòng hướng đến chấm dứt tính độc quyền của Apple và Google trên thị trường cửa hàng ứng dụng.
Phần còn lại của thế giới
- Liên minh Châu Âu: Hiện tổ chức này đang điều tra vấn đề không đáng tin cậy đằng sau App Store.
- Anh: Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) đã đưa ra các điều khoản cùng điều kiện cho những nhà phát triển app.
- Ấn Độ: Đầu năm nay, Ủy ban Cạnh tranh của Ấn Độ (CCI) đã yêu cầu Apple tham gia một cuộc điều tra tương tự như những quốc gia phương Tây khác. Mặc dù thị phần của Apple ở Ấn Độ chưa đến 5%, nhưng hãng vẫn phải đối mặt với sự kiểm soát giống như Google.
Apple sẽ làm gì để "phòng thủ"?
Trong vụ kiện với Epic và trong cuộc tranh luận với các nhà lập pháp ở nhiều quốc gia khác nhau, Apple luôn giữ vững lập trường của mình. Apple cho rằng việc cho phép thanh toán thay thế và ứng dụng bên thứ ba sẽ làm tăng nguy cơ rò rỉ dữ liệu khách hàng.
Hãng thậm chí phát hành một sách trắng chi tiết vào năm ngoái, trong đó giải thích mặt hại của việc cho phép thanh toán thay thế. Apple chủ động ngăn chặn các nhà phát triển tiếp cận với hệ thống bên thứ 3.
Người dùng hưởng lợi khi được lựa chọn phương thức thanh toán?
Nếu người dùng được lựa chọn phương thức thanh toán, thì các giao dịch mua bán trên cửa hàng ứng dụng sẽ trở nên tiện lợi và nhanh chóng hơn. Ngoài ra, những sản phẩm trên App Store cũng sẽ rẻ hơn.
Mặt trái của việc làm này là người dùng và các nhà phát triển sẽ không thể loại bỏ các hình thức thanh toán không an toàn. Apple sẽ không dàng từ bỏ hệ thống thanh toán được xây dựng cẩn thận của mình trừ khi bị các nhà lập pháp ép buộc. Hiện tại, đây vẫn là vấn đề nóng hổi trên các diễn đàn luật pháp toàn cầu.
Theo The Next Web