Hàn Quốc trong cuộc chiến bán dẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc bị kẹp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang khiến nhu cầu phát triển, tự chủ về công nghệ trong nước của Hàn Quốc đang lớn hơn bao giờ hết.
Bà Yang Hyang-ja, người đứng đầu một ủy ban của chính phủ về phát triển chip bán dẫn (ảnh: Bloomberg)
Bà Yang Hyang-ja, người đứng đầu một ủy ban của chính phủ về phát triển chip bán dẫn (ảnh: Bloomberg)

Trong ba thập kỷ làm việc tại Samsung Electronics, bà Yang Hyang-ja đã giúp tập đoàn 84 tuổi này khẳng định vị thế thống trị trong lĩnh vực sản xuất chip bộ nhớ toàn cầu. Giờ đây, bà Hyang-ja đang là kiến trúc sư trưởng trong nỗ lực của Hàn Quốc nhằm cải thiện ngành chip trong nước, để có khả năng cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.

Bà Yang là kiến trúc sư chính của nỗ lực toàn quốc nhằm tài trợ và thúc đẩy ngành công nghiệp chip trong nước. Bà nói với Bloomberg Television rằng sứ mệnh của bà đang ngày càng trở nên quan trọng khi Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đổ hàng tỉ USD vào việc xây dựng chuỗi cung ứng chip của riêng họ, làm lu mờ vai trò tương lai của Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn.

“Chúng tôi đang trong cuộc chiến chip”, bà Yang nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12. “Ưu thế về công nghệ là cách mà đất nước chúng ta có thể dẫn đầu trong bất kỳ chương trình nghị sự nào liên quan đến an ninh, chẳng hạn như các vấn đề ngoại giao và quốc phòng, mà không bị ảnh hưởng bởi các quốc gia khác”.

Bà Yang, người lãnh đạo một ủy ban đặc biệt của Chính phủ gồm 13 thành viên, được thành lập trong năm nay để tìm ra giải pháp, đã lập luận rằng chỉ thông qua sự can thiệp mạnh mẽ và trực tiếp, Seoul mới có thể mở rộng vị thế của mình trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trị giá 550 tỉ USD.

Quan điểm của ủy ban này là bảo hộ công nghệ, kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho các công ty sản xuất chip trong nước như SK Hynix và Samsung, và đã giành được sự ủng hộ từ Tổng thống Hàn Quốc.

Được biết, bà Yang là một trong số ngày càng nhiều các nhà hoạch định chính sách toàn cầu chấp nhận chủ nghĩa bảo hộ công nghệ sau khi những khó khăn về hậu cần do đại dịch gây ra đã làm bật lên sự phụ thuộc của quốc gia vào các công nghệ cốt lõi.

Những nỗ lực của bà Yang có thể đang bắt đầu "đơm hoa kết trái". Tháng trước, quốc hội đã thông qua phiên bản Đạo luật Khoa học và Chip của Hoa Kỳ dành cho Hàn Quốc. Dẫn đầu bởi bà Yang, động thái này đẩy nhanh quá trình phê duyệt xây dựng các nhà máy ở khu vực đô thị, đồng thời tăng số lượng trường chuyên về công nghệ.

Ngoài ra, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật ưu đãi thuế 8% cho các công ty lớn đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn. Mức giảm này chỉ bằng khoảng 2/3 so với mức đề xuất của ủy ban chuyên trách, từ 20-25%.

Bà Yang cho biết khoản hỗ trợ này thua xa với các khoản trợ cấp hàng tỷ USD mà các quốc gia khác đang đổ vào ngành sản xuất chip, đồng thời chỉ trích Quốc hội đang bị mờ mắt bởi những lợi ích chính trị ngắn hạn.

Ngược lại, một số ý kiến khác trong chính phủ Hàn Quốc cho rằng ưu đãi 8% đã là hào phóng, làm đe dọa tình hình tài chính của chính phủ cũng như chỉ mang lại lợi ích cho các công ty lớn.

Ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc đứng trước nguy cơ nhiều công ty Hàn Quốc chuyển các cơ sở sản xuất sang Mỹ, mang theo những kỹ sư giỏi nhất. Samsung có kế hoạch xây dựng một nhà máy bán dẫn trị giá 17 tỉ USD ở Texas và cho biết có khả năng sẽ chi gần 200 tỉ USD để xây dựng một loạt nhà máy ở Austin và Taylor.

Không chỉ vậy, các biện pháp trừng phạt leo thang đối với công nghệ tiên tiến đang gia tăng áp lực buộc nước này phải lựa chọn giữa Mỹ, đồng minh an ninh và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này. Cả hai đã đề nghị Hàn Quốc mở rộng quan hệ đối tác sản xuất chip.

Tình huống này đã làm nhu cầu về việc xây dựng năng lực công nghệ trong nước của Hàn Quốc lớn hơn bao giờ hết - hoặc có nguy cơ ngày càng phụ thuộc nhiều vào các cường quốc nước ngoài, bà Yang chia sẻ.

Bà cho biết đây là thời điểm để cung cấp cho các công ty Hàn Quốc nhiều ưu đãi hơn để xây dựng năng lực sản xuất trong nước thay vì ở nước ngoài. Bà nói thêm đất nước cần phải làm nhiều hơn nữa để giữ chân những tài năng trẻ.

Theo Bloomberg