Hàng chục nghìn lái xe Hàn Quốc đã xuống đường biểu tình trong một chiến dịch kéo dài vài tháng qua để phản đối ứng dụng đặt xe công nghệ Kakao T Carpool sắp được tung ra.
Ứng dụng Kakao T Carpool cũng tương tự như Uber và Grab. Nó thuộc sở hữu của công ty Kakao, một trong những công ty công nghệ hàng đầu Hàn Quốc. Kakao trước đây đã tung ra ứng dụng Kakao Taxi cho phép người dùng kết nối với các taxi biển vàng. Kakao cũng sở hữu các ứng dụng và trang web phổ biến khác trong nước như Daum Search, dịch vụ nhắn tin KakaoTalk và Daum Cafe, một diễn đàn giống như diễn đàn Reddit của Mỹ.
Các ứng dụng đặt xe công nghệ hiện vẫn nằm ngoài sự quản lý của pháp luật Hàn Quốc và nó đang ảnh hưởng đến sinh nhai của hàng chục nghìn lái xe taxi truyền thống.
“Cả gia đình trông chờ vào nguồn thu nhập nhỏ nhoi của tôi”, tài xế Lee Nam-soo, 67 tuổi, nói với Reuters. Ông Lee kiếm được 80.000 – 90.000 won một ngày (70-80 USD). “Tôi sẽ không thể sống nổi nếu ứng dụng Kakao đi vào hoạt động”, ông Lee buồn rầu cho biết.
Một người đàn ông đứng giữa hàng trăm chiếc taxi đang biểu tình (ảnh: Chung Sung Jun)
|
Cuộc biểu tình của các tài xế đã trở nên căng thẳng khi hôm thứ Năm một tài xế đã châm lửa đốt chiếc xe mà ông ngồi bên trong tại khu vực Trung tâm Seoul. Người tài xế 64 tuổi tên là Lim này sau đó đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi, Yonhap đưa tin.
Cảnh sát nghi ngờ rằng ông Lim đã đốt xe để phản đối ứng dụng đặt xe công nghệ. Các quan chức của một liên minh taxi cho biết ông Lim đã để lại một lá thư tuyệt mệnh dài 4 trang trong đó nói về những căng thẳng kinh tế khi làm nghề lái taxi.
Ông Lim là tài xế taxi thứ hai tử vong do tự thiêu. Tháng trước, một tài xế 57 tuổi cũng đã chết vì tự thiêu để phản đối ứng dụng chia sẻ xe.
Các tài xế taxi đã buộc một dải ruy băng màu đen vào ô tô của họ và đeo băng đô màu đen để tưởng niệm hai đồng nghiệp đã mất.
Trong thời điểm phong trào phản đối đang lên cao, hãng Kakao đang tạm dừng kế hoạch ra mắt ứng dụng Kakao T Carpool. Người phát ngôn của hãng này nói với Reuter rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với đại diện ngành công nghiệp vận tải, quốc hội và chính phủ”.
Người biểu tình giơ cao những ngọn nến trong chiến dịch biểu tình chống lại cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (ảnh: Getty Images)
|
Hàn Quốc có một lịch sử về văn hóa biểu tình quy mô lớn. Các cuộc biểu tình vào cuối thế kỷ 20 trên khắp Hàn Quốc đã giúp biến đất nước từ chế độ độc tài quân sự sang chế độ dân chủ. Những vụ tự tử trong biểu tình đôi khi cũng xuất hiện khi những người biểu tình cố gắng thể hiện sự phẫn nộ của họ về các vấn đề nóng như sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, hay quyền lao động. Vào năm 2015, một người đàn ông Hàn Quốc 80 tuổi đã tự thiêu bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul để phản đối phản ứng của chính phủ Nhật Bản đối với việc binh sĩ Nhật sử dụng phụ nữ Triều Tiên làm nô lệ tình dục trong những năm 1930 và 1940.