Hạn hán ở Đài Loan: Cắt hệ thống tưới tiêu đất nông nghiệp để đảm bảo sản xuất chip

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để đảm bảo nguồn cung nước cho nhà máy sản xuất chip trong bối cảnh hạn hán, Đài Loan đã ngừng hoạt động tưới tiêu trên hàng chục nghìn mẫu đất nông nghiệp.
Người dân Đài Loan được khuyến khích không sản xuất nông nghiệp trong đợt hạn hán.
Người dân Đài Loan được khuyến khích không sản xuất nông nghiệp trong đợt hạn hán.

Theo báo cáo của NetEase, hơn 90% chip tiên tiến trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan. Sản phẩm của các công ty này chiếm thị phần lớn trong tổng số sản phẩm điện tử trên toàn cầu. Trước ảnh hưởng hạn hán nghiêm trọng ở Đài Loan, để đảm bảo nguồn nước cho các nhà máy sản xuất chip, chính quyền đã cắt hệ thống tưới tiêu của lượng lớn đất canh tác.

Mặc dù các nhà chức trách Đài Loan đang bồi thường thiệt hại, nhưng người nông dân lo ngại rằng vụ thu hoạch thất bát sẽ khiến khách hàng phải tìm nhà cung cấp khác. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập giảm sút trong nhiều năm. Những người nông dân bị ảnh hưởng phàn nàn: "Chính phủ đang dùng tiền để bịt miệng chúng tôi".

Tình trạng hạn hán ở Đài Loan.

Tình trạng hạn hán ở Đài Loan.

Đài Loan tiếp tục bị thiếu nước khi đang phải đối mặt với đợt hạn hán trầm trọng nhất trong 50 năm qua. Nhiều thành phố như Tân Trúc, Miêu Lật, Đài Trung, Chương Hóa bị buộc phải hạn chế sử dụng nước. Trong khi đó, các huyện Gia Nghĩa, Đài Nam, Cao Hùng cũng đang xem xét thực hiện phân phối nước.

Hạn hán cũng đặt ra những thách thức to lớn mà ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan phải đối mặt. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu của điện thoại thông minh, ô tô và các nền tảng quan trọng khác, ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng trở thành một phần thiết yếu.

Các nhà sản xuất chip sử dụng lượng lớn nước để làm sạch nhà máy và các tấm wafer. Nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu vốn đã cực kỳ khan hiếm do nhu cầu sản phẩm điện tử tăng vọt, cuộc khủng hoảng nước khiến nhiều người càng lo ngại hơn khi ngành sản xuất chip phụ thuộc quá nhiều vào Đài Loan.

Hơn 90% chip tiên tiến trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan, đặc biệt là tập đoàn TSMC chuyên sản xuất chip cho Apple, Intel và các thương hiệu lớn khác. TSMC tuần trước cho biết sẽ đầu tư 100 tỉ USD trong ba năm tới để tăng năng lực sản xuất.

TSMC cũng khẳng định, hạn hán không ảnh hưởng đến năng suất sản xuất của họ trong năm nay. Tuy nhiên chính quyền địa phương phải nỗ lực tăng cường duy trì nguồn cung cấp nước.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Đài Loan đã lên kế hoạch để gieo những đám mây tạo mưa nhan tạo, xây dựng một nhà máy khử muối ở Tân Trúc - nơi đặt trụ sở chính của TSMC. Đồng thời, họ cho xây dựng các đường ống nối thành phố với các con sông ở phía bắc.

Đài Loan cũng yêu cầu các ngành công nghiệp giảm tiêu thụ nước. Ở một số nơi, nguồn cung cấp nước đã bị cắt hai ngày một tuần. Nhiều công ty, bao gồm cả TSMC, đã bắt đầu sử dụng phương pháp chuyển nước từ những nơi khác đến.

Nhưng biện pháp triệt để nhất mà Đài Loan thực hiện là cắt bỏ một số lượng lớn hệ thống tưới tiêu đất nông nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến khoảng 74.000 ha đất canh tác, chiếm khoảng 1/5 diện tích đất được tưới tiêu của Đài Loan. Tian Shoushi - một người nông dân 63 tuổi ở Tân Trúc - cho biết: "TSMC và các công ty bán dẫn hoàn toàn không biết đến thiếu nước là gì".

Khi được hỏi về việc sử dụng nước của nông dân, người phát ngôn TSMC cho biết: "Sử dụng nước hiệu quả là rất quan trọng đối với mọi ngành". Ông cho biết thêm, TSMC cũng đã tham gia vào một dự án nhằm nâng cao hiệu quả tưới tiêu.

Lần cuối cùng Đài Loan đóng cửa hệ thống tưới tiêu trên quy mô lớn để tiết kiệm nước là vào năm 2015 và các biện pháp tương tự cũng được thực hiện vào năm 2004. You Jingyun - giáo sư tại Đại học Quốc gia Đài Loan - cho biết: "Nếu tình trạng tương tự xảy ra trong hai hoặc ba năm nữa, chúng ta có thể kết luận rằng Đài Loan hẳn đã bước vào thời kỳ thiếu nước trầm trọng. Còn hiện tại, chúng ta vẫn cần tiếp tục quan sát".

Theo TSMC, các nhà máy của công ty ở Tân Trúc trong năm 2019 đã tiêu thụ 63.000 tấn nước mỗi ngày, chiếm hơn 10% lượng nước được cung cấp bởi hai hồ chứa gần đó. TSMC đã tái sử dụng hơn 86% lượng nước thông qua việc tăng cường tái chế và các biện pháp mới. Công ty đã tiết kiệm được 3,6 triệu tấn nước so với năm trước. Nhưng so với 63 triệu tấn nước mà TSMC tiêu thụ trong năm 2019, con số này vẫn còn rất nhỏ.

Guo Yuling - một đối tác kinh doanh của nông dân Tân Trúc - nói rằng họ không đổ lỗi cho các công ty sản xuất chip của Đài Loan. Nhưng việc buộc tội nông dân đóng góp ít vào nền kinh tế và lãng phí tài nguyên nước là sai.

Wang Xiaowen - một giáo sư về kỹ thuật bảo tồn nước tại Đại học Quốc gia Cheng Kung - cho rằng, "vấn đề lớn nhất" đằng sau việc cung cấp nước của Đài Loan là chính phủ giữ giá nước quá thấp gây ra tình trạng lãng phí nước.

Dữ liệu của chính phủ Đài Loan cho thấy các hộ gia đình của nước này sử dụng khoảng 75 gallon nước/người mỗi ngày (~284 lít nước). Một quan chức chính phủ cho biết: "Việc tăng giá nước có tác động lớn đến các nhóm yếu thế hơn trong xã hội, vì vậy chúng tôi rất thận trọng khi thực hiện điều chỉnh".

Mực nước tại Hồ chứa Tsengwen, gần Đài Nam, đang ở mức thấp báo động.
Mực nước tại Hồ chứa Tsengwen, gần Đài Nam, đang ở mức thấp báo động.

Phần phía tây nam của tỉnh Đài Loan vừa là vùng đất nông nghiệp vừa là trung tâm công nghiệp mới. Cơ sở chip tiên tiến nhất của TSMC nằm ở phía nam thành phố Đài Nam. Giờ đây, một số phần của hồ chứa gần đó giảm mạnh, thậm chí còn lộ ra phần đáy.

Theo NetEase