Hám tiền, bán cả ‘rừng non’ cho Trung Quốc

Thương nhân Trung Quốc có nhiều chiêu trò khiến người Việt tranh nhau mua, tranh nhau bán và họ hưởng lợi. Đó là nhận xét của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), khi trao đổi  về chuyện Việt Nam đang xuất nhiều gỗ sang Trung Quốc nhưng lại... không vui.
Một thương lái Trung Quốc đang ký tên mình vào các tấm gỗ đã chọn mua tại chợ gỗ  làng Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: THỤY CHÂU
Một thương lái Trung Quốc đang ký tên mình vào các tấm gỗ đã chọn mua tại chợ gỗ làng Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: THỤY CHÂU

Len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm

. Phóng viên: Theo số liệu thống kê mới nhất, trong bối cảnh Việt Nam chịu thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc thì riêng với gỗ, Việt Nam lại đạt mức thặng dư bình quân hằng năm khoảng 600 triệu USD. Xuất khẩu được nhiều gỗ sang Trung Quốc có phải là tín hiệu vui, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Tôn Quyền: Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Nhưng thị trường Trung Quốc có nhiều hạn chế, giá trị gia tăng thấp. Lý do là gỗ mà nước này nhập từ chúng ta chủ yếu là dăm mảnh, nguyên liệu dùng để sản xuất bột giấy… với sản lượng khoảng 3-4 triệu tấn/năm, trị giá khoảng 600 triệu USD. Trong khi đó, Mỹ và EU thì nhập các sản phẩm đã chế biến như bàn, ghế, tủ.

Đáng nói hơn, các thị trường như EU, Mỹ khi mua sản phẩm gỗ của Việt Nam đều có các tổ chức quốc tế được thế giới công nhận, có các siêu thị gỗ tầm cỡ… đến ký hợp đồng với các nhà máy của Việt Nam. Sau khi ta làm xong sản phẩm, đối tác còn cử người qua kiểm tra chất lượng, cho phép đóng gói, đưa hàng xuống tàu.

Trung Quốc lại không làm bài bản như thế. Thương nhân của họ ồ ạt vào Việt Nam với số lượng rất đông, không chỉ các công ty mà còn có cá nhân len lỏi vào khắp hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam. Thậm chí họ còn giả danh công ty hoặc đại lý của chúng ta để mua gỗ và chỉ mua nguyên liệu thô chứ không mua sản phẩm tinh chế như các nước khác.

. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình trạng mua bán bát nháo nói trên?

+ Tôi lấy ví dụ: Ngay ở làng gỗ Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh có những thương nhân Trung Quốc nói tiếng Việt rất giỏi, có địa chỉ cư trú đàng hoàng nhưng thực chất là núp bóng công ty của Việt Nam để mua gỗ. Điều này khiến chúng ta mất nhiều thứ. Điển hình là về giá trị sản phẩm. Ví dụ: giá gốc của bộ bàn ghế họ mua chỉ 1.000 USD nhưng họ bán ra với giá khoảng 1.300 hoặc 1.400 USD. Thế nhưng khi khai báo hải quan thì họ chỉ khai khoảng 700 hoặc 800 USD thôi để nộp thuế ít. Chính vì vậy xuất khẩu sang Trung Quốc, chúng ta bị thất thu thuế rất nhiều.

Chỉ thấy cái lợi trước mắt

. Một số doanh nghiệp (DN) thừa nhận Trung Quốc rất dễ dãi trong việc nhập khẩu gỗ và điều này chỉ có hại đối với Việt Nam?

+ Chính xác! Thậm chí Trung Quốc còn có chính sách khuyến khích, bỏ tiền cho các DN, thương nhân của họ đi mua các loại tài nguyên trên thế giới về, trong đó có gỗ của Việt Nam. Tôi đã sang nước này khảo sát và được các thương nhân của họ xác nhận.

Cụ thể, khi mua gỗ, họ không cần các chứng chỉ FSC (chứng chỉ của Hội đồng quản trị rừng thế giới - PV). Họ cũng chả cần chứng minh nguồn gỗ hợp pháp, thủ tục hải quan của họ cũng đơn giản. Điều này rất tác hại cho người Việt, bởi nó tạo cho người Việt thói quen làm ăn dễ dãi, không minh bạch, không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật. Đây là điều rất không hay về mặt nhận thức, đặc biệt là khi chúng ta muốn làm ăn với thế giới - có yêu cầu cao về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm. Nếu chúng ta cứ làm ăn dễ dãi với Trung Quốc theo kiểu không cần để ý đến nguồn gốc gỗ thì thế giới sẽ không tin DN Việt nữa!

. Như vậy một phần là do lỗi của DN Việt và công tác quản lý xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc của ta còn nhiều bất cập?

+ Năm 2014, Nhà nước đã có văn bản cấm xuất khẩu gỗ tròn sang Trung Quốc và đang có ý định đánh thuế gỗ dăm xuất sang nước này vì hiện thuế xuất khẩu đối với gỗ dăm là 0%. Tuy nhiên, nếu tăng thuế đối với gỗ dăm thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người trồng rừng.

Nhưng tôi cho rằng các biện pháp hành chính suy cho cùng cũng khó có thể giải quyết được vấn đề nếu ý thức của người dân, DN không được nâng cao. Do vậy, điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân Việt về chủ quyền, về lợi ích kinh tế, về bảo vệ lợi ích của người Việt Nam. Bởi thực tế không chỉ với gỗ, người Trung Quốc đã sang mua lá điều, đỉa… và hiện đang mua giun đất. Điều này rất nguy hiểm nhưng người Việt mình đôi khi chỉ thấy lợi trước mắt chứ chưa thấy cái lợi lâu dài của đất nước.

. Như ông nói thì Trung Quốc là một thị trường lớn nhưng đầy rủi ro và khó lường?

+ Rủi ro rất cao là đằng khác. Tôi lấy ví dụ, Trung Quốc nhập gỗ dăm của chúng từ bảy, tám năm nay. Những năm đầu họ tăng giá liên tục, bắt đầu từ 100 USD, rồi 120, 140, 150 USD/tấn nhưng vài năm sau họ đột ngột giảm giá  mạnh và không mua... Chẳng hạn năm ngoái, chúng tôi ế gần nửa triệu tấn gỗ dăm. Sau đó phía Trung Quốc nói đại ý “anh ế rồi, tôi sẽ mua cho anh nhưng anh phải giảm giá”. Từ 152 USD/tấn, họ đòi hạ xuống chỉ còn… 10 USD/tấn. Lúc này, không bán cho Trung Quốc thì bán cho ai? Để lâu gỗ sẽ hỏng nên đành phải bán thôi.

Nhưng đây không phải là rủi ro duy nhất khi bán gỗ cho Trung Quốc. Chúng tôi làm việc với EU, chỉ có ba đối tác nhưng với Trung Quốc thì có hàng chục ngàn DN, thương nhân mua gỗ của ta. Họ có nhiều chiêu trò khiến người Việt tranh giành nhau mua, tranh nhau bán và họ hưởng lợi. Họ hưởng lợi một phần vì người Việt mình đôi khi chỉ thấy lợi ích trước mắt, biết là có rủi ro nhưng vẫn làm.

Bán cả “rừng non”

. Liệu có phải do người trồng rừng mình nghèo quá nên mới phải làm vậy không, thưa ông?

+ Đó cũng là một lý do. Hiện có khoảng 1,4 triệu hộ trồng rừng, nhận khoán khoảng 2,2 triệu ha rừng. Nhưng cái khó có khi bó cái khôn. Cây rừng đường kính mới được 5-7 cm nhưng nhà có con ốm, con phải đóng tiền học, lập tức bà con phải chặt cây để bán ngay. Các thương nhân Trung Quốc có thể lợi dụng tình cảnh này để mua “rừng non”. Họ thu mua trước rồi để 2-3 năm sau mới khai thác, người dân vẫn phải chăm sóc cây rừng cho họ. Bà con mình không biết phải làm sao, vì đã nhận tiền của họ để giải quyết công việc, sinh hoạt rồi. Còn cơ quan chức năng thì cũng không thể theo sát thương nhân Trung Quốc để kiểm soát họ.

. Chúng ta phải làm gì để người dân không phải bán “rừng non” cho Trung Quốc nữa, thưa ông?

+ Bộ NN&PTNT đã thí điểm hỗ trợ người dân chăm sóc rừng, song gặp khó khăn về kinh phí. Chúng tôi cũng đang vận động các DN vào cuộc hỗ trợ người trồng rừng, tham gia đầu tư với các hộ trồng rừng…, có điều lại vướng vấn đề cơ chế sở hữu rừng. Một khi các DN đầu tư, hỗ trợ người dân trồng rừng, họ cũng mong muốn có quyền sở hữu rừng đó, để đảm bảo kiểm soát được rừng và nguồn nguyên liệu gỗ. Tiếc là chúng ta chưa có cơ chế để giải quyết khúc mắc này.

. Xin cám ơn ông.

Việt Nam hết gỗ quý hiếm rồi!

. Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu rất lớn gỗ quý hiếm, vậy ông có lo ngại gỗ quý hiếm Việt Nam sẽ “chảy máu” hết sang nước này không?

+ Đến thời điểm này, tôi khẳng định là Việt Nam không còn gỗ quý hiếm đâu! Các rừng có gỗ quý hiếm cũng hết rồi, nếu còn thì cũng không đáng kể.

Việt Nam cũng đã cấm khai thác gỗ quý hiếm. Và căn cứ tình hình Việt Nam, tổ chức Cites (Công ước về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cũng cấm luôn việc tạm nhập, tái xuất gỗ hương và gỗ trắc. Như vậy, con đường gỗ quý hiếm “chạy” sang Trung Quốc đã cạn.

Xin nói thêm, nhiều quốc gia tiên tiến như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đã xây dựng các cẩm nang về gỗ, bộ chứng chỉ gỗ… hợp pháp. Khi làm ăn với các nước này thì Việt Nam phải tuân thủ.

230 tỉ USD là số tiền mỗi năm cả thế giới chi cho đồ gỗ trong khi chúng ta mới chỉ xuất khẩu được khoảng 5-7 tỉ USD.

Hứa rồi… để đấy

Việt Nam đang xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, buộc người Việt phải theo hệ thống này, dù là bán gỗ trong nước. Dứt khoát phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, địa danh; rồi gỗ có đóng thuế không, có sử dụng lao động trẻ em để khai thác gỗ hay không.

Đối với Trung Quốc, các tổ chức, các quốc gia đã yêu cầu nước này phải tuân thủ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và họ hứa hẹn nhưng hứa rồi… để đấy.

Theo PLTP