|
"Lễ hội bia" được tổ chức nhân kỷ niệm 142 năm ra đời thương hiệu Bia Sài Gòn (Nguồn: Sabeco) |
Kết quả kinh doanh Quý I sụt giảm mạnh
Tình hình tài chính của Tập đoàn ThaiBeverage (ThaiBev) trong Quý I (giai đoạn 01/10/2017 – 31/12/2017) tỏ ra không mấy khả quan so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán hàng của ThaiBev sụt giảm 2,6% và đạt 45,6 tỷ Baht. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lợi nhuận ghi nhận đà giảm lớn hơn nhiều, đặc biệt là khi bao gồm thêm cả các chi phí tài chính liên quan đến thương vụ thâu tóm Sabeco và chi phí bất thường từ hoạt động thâu tóm khác.
Cụ thể, lợi nhuận ròng mà tập đoàn này ghi nhận trong Quý I chỉ đạt 3 tỷ Baht, tương đương mức giảm 61% so với cùng kỳ (nếu loại bỏ chi phí liên quan đến hoạt động thâu tóm, mức giảm chỉ còn 29,3%). Điều này kéo chỉ số EPS cơ bản của ThaiBev giảm mạnh xuống mức 0,12 Baht, tương đương với mức giảm 61,3% (nếu loại bỏ chi phí liên quan đến thâu tóm, EPS cơ bản đạt mức 0,21 Baht, tương ứng với mức giảm 32,3%).
Nguyên nhân xuất phát trước tiên đến từ hoạt động kinh doanh từ thị trường trong nước (chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu) của ThaiBev khá ảm đảm. Hai lĩnh vực kinh doanh chính ghi nhận sự sụt giảm về doanh thu, cụ thể: Lĩnh vực sản xuất rượu giảm 5,8%; Lĩnh vực sản xuất bia cũng giảm 4% nhưng vẫn giữ vững được thị phần tại Thái Lan. Lĩnh vực nước giải khát, đồ uống không cồn và thực phẩm có ghi nhận sự tăng trưởng nhưng đóng góp của 2 lĩnh vực này không đáng kể (chiếm khoảng 14%).
Một nguyên nhân khác cũng phải kể đến là một loạt các thương vụ thâu tóm mà ThaiBev đã thực hiện trong kỳ cũng khiến cho gánh nặng chi phí có sự gia tăng đột biến.
Trong 3 tháng, thực hiện thành công 4 thương vụ thâu tóm
Thương vụ thâu tóm nổi bật nhất trong Quý I của ThaiBev phải kể đến hoạt động mua lại vốn cổ phần Nhà nước tại CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã CK: SAB). Trong lĩnh vực sản xuất bia, thương vụ thâu tóm Sabeco giúp ThaiBev tiến gần hơn tới “danh hiệu” nhà sản xuất bia số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng.
Được biết, để có được 53,59% cổ phần tại Sabeco, tập đoàn này đã phải huy động nguồn tài chính lên tới gần 5 tỷ USD. Đa phần là các khoản vay với 5 ngân hàng có quy mô hàng đầu Thái Lan về tổng tài sản là Bangkok Bank, Bank of Ayudhya, Kasikornbank, Krung Thai Bank, và The Siam Commercial Bank. Nguồn vốn cũng được huy động bởi BeerCo (do ThaiBev sở hữu 100%), với khoản vay 1,95 tỷ USD từ 2 ngân hàng là Mizuho Bank (chi nhánh Singapore) và Standard Chartered Bank (chi nhánh Singapore).
Các khoản vay từ nhiều nguồn khác nhau đều có cùng mức kỳ hạn là 24 tháng, được đảm bảo bằng chính cổ phiếu Sabeco. Cũng chính vì các khoản vay nợ lớn này mà hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings của Thái Lan đã hạ bậc và đã có lúc xếp ThaiBev vào danh sách theo dõi tiêu cực (Ratings Watch Negative).
Bên cạnh Sabeco, trong Quý I kết thúc vào 31/12/2017, ThaiBev đã thực hiện 3 thương vụ thâu tóm khác cũng không kém phần hấp dẫn.
Cụ thể, ThaiBev đã mua 76% cổ phần tại công ty Spice of Asia (SOA) ngày 3/10/2017 nhằm mở 10 nhà hàng chuyên phục vụ các món lẩu và các món ăn của Thái Lan; 75% cổ phần tại công ty Myanmar Supply Chain and Marketing Services và công ty Myanmar Distillery (MSC&MDC) vào ngày 12/10/2017 để mở rộng lĩnh vực kinh doanh đồ uống có cồn (rượu) tại thị trường Myanmar và 252 cửa hàng KFC tại Thái Lan, sở hữu bởi công ty The QSR of Asia (QSA), thông qua một công ty con mà ThaiBev nắm toàn quyền sở hữu vào ngày 01/12/2017.
Giá trị cộng hưởng từ thị trường Việt Nam
Mặc dù tỏ ra nghi ngại về tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao làm gia tăng rủi ro, Fitch Ratings trong kỳ công bố kết quả đánh giá ngày 7/2/2018 kỳ vọng ThaiBev sẽ xử lý được tỷ lệ đòn bẩy cao nhanh hơn dự kiến, giống như đã từng làm với trường hợp thâu tóm công ty Fraser and Neave (F&N) năm 2012, và xếp vào nhóm có triển vọng ổn định (Stable Outlook).
Fitch Ratings cũng đánh giá cao hoạt động mở rộng kinh doanh tại thị trường bia có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam và vị trí dẫn đầu của ThaiBev tại thị trường trong nước. Hãng này kỳ vọng ThaiBev sẽ khai thác được kênh phân phối sản phẩm, thị phần mà Sabeco đang sở hữu để tạo ra giá trị cộng hưởng, nhanh chóng cải thiện sức khỏe tài chính.
Ở phần mình, ThaiBev cũng tỏ ra rất quyết tâm và bắt tay tham gia vào hoạt động tại Sabeco. Ngày 12/01/2018, trong cuộc họp lần đầu tiên tham dự, đại diện lãnh đạo của tập đoàn này khẳng định: “Chúng tôi quyết định đầu tư khoản tiền lớn với mục tiêu nâng tầm Sabeco lên tầm cao mới ở thị trường trong nước và cả khu vực. Chúng tôi hiện sở hữu hệ thống khách sạn lớn trên thế giới, vì thế sẽ có nhiều cơ hội giới thiệu sản phẩm Bia Sài Gòn đi khắp thế giới. Để làm được, chúng tôi sẽ quản lý minh bạch và trọng dụng người tài; thực hiện các chương trình trao đổi nghề nghiệp tại nước ngoài…”.
Thương vụ thâu tóm thành công Sabeco rất có thể đã mở ra cơ hội để ThaiBev hoàn thành mục tiêu trở thành “leader” trong lĩnh vực đồ uống tại thị trường Đông Nam Á đến năm 2020. Vấn đề còn lại là ThaiBev sẽ thực hiện điều đó như thế nào trong quãng thời gian năm sắp tới.