Sự chuẩn bị của hải quân Mỹ cho kiểu kịch bản này còn bao gồm các hệ thống radar, các bộ cảm biến tầm xa và hoạt động do thám phối hợp từ cả trên không, trên mặt đất và trên biển – tất cả đều nhằm ngăn chặn lập tức các đòn hỏa lực đang tới gần của kẻ địch.
Trên thực tế thì việc xử lý những tình huống bất ngờ như vậy lại phụ thuộc vào một khía cạnh ít được quan tâm đến trong chiến tranh trên biển - đó là chiến tranh thông tin. Mỗi một hệ thống vũ khí phòng thủ đều cần dữ liệu chính xác về mục tiêu để có thể truyền lại cho các hệ thống khai hỏa và tổ hợp cảm biến - vũ khí. Vì lý do này mà hải quân Mỹ đang tập trung hơn vào việc huấn luyện một thế hệ chiến binh thông tin mới được trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết để ngăn chặn các đòn tấn công của kẻ thù ở cả thời điểm hiện tại lẫn trong 20 năm sau.
Theo một bản báo cáo của hải quân Mỹ mới đây, nhiệm vụ này được giao cho Trung tâm Huấn luyện Chiến tranh Thông tin (CIWT) của hải quân, một chương trình đặc biệt nhằm mục đích cải thiện quá trình đồng bộ hóa thông tin chiến tranh với dữ liệu nhạy cảm trên chiến trường được các chuyên gia tình báo tổng hợp. Tính đến nay, trung tâm này đã huấn luyện được trên 21.000 học viên.
"Một chuyên gia tình báo hải quân chịu trách nhiệm theo dõi mục tiêu theo thời gian thực, bảo vệ các chiến hạm trước các mối đe dọa, điều khiển máy tính và các trang thiết bị thông tin liên lạc của hạm đội” – báo cáo nêu rõ. Các mối đe dọa bắt nguồn từ vũ khí công nghệ cao ngày nay cũng làm tăng thêm sự phức tạp của các đòn phản ứng cần thiết.
Và trong kiểu nhiệm vụ phản ứng này – phụ thuộc rất nhiều vào chiến tranh thông tin – các chiến hạm Mỹ thường phải vận tới các vũ khí điện tử và vũ khí mạng tối tân để dập tắt các nguy cơ đang tới gần, gây ra do các vật thể hoặc cấu trúc đang chuyển động. Ví dụ, có rất nhiều đòn tấn công mạng hoặc đòn tác chiến điện tử của kẻ địch cần phải được giải mã hoặc cô lập khỏi các dữ liệu và dải tần số xung quanh.
Việc thu hẹp các tín hiệu điện tử bằng các biện pháp truyền tải có độ chính xác cao chính là một lĩnh vực chủ chốt trong chiến tranh thông tin hiện đại. Một tín hiệu điện tử được phân tán rộng rãi có thể dễ dàng bị kẻ địch phát hiện, từ đó khiến thông tin về địa điểm của một chiến hạm bị lộ. Trong khi, một dải điện từ hẹp lại khó bị phát hiện hơn. Hiện nay, các nhà phát triển công nghiệp, như CACI, đang tìm cách tận dụng các hệ thống tín hiệu tình báo (SIGNT) để đạt được điều đó.
Các đòn tấn công mạng – thường là tấn công phising, tấn công từ chối dịch vụ hay cài mã độc – thường ẩn chứa rủi ro làm sập toàn bộ hệ thống vũ khí được kết nối với nhau. Khả năng nhận diện và dập tắt các đòn tấn công kiểu này hiện đang là chương trình ưu tiên trong khóa huấn luyện thế hệ kỹ sư mới của hải quân Mỹ, bởi trong thời điểm mà các hệ thống vũ khí được liên kết chặt chẽ với nhau như hiện nay, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu đều tồn tại song song. Ví dụ, một hệ thống điều khiển vũ khí chỉ cần có một lỗ hổng nhỏ để mã độc xâm nhập là cả hệ thống có thể bị đánh sập.
Mục tiêu chính của hải quân là tìm kiếm và “ngăn chặn” cái gọi là “đường phương vị”, trong đó xác định vị trí, vận tốc và quỹ đạo của đòn tấn công sắp xảy ra. Xác định rõ mục tiêu trên, bản báo cáo của hải quân Mỹ cho hay “CIWT chịu trách nhiệm huấn luyện các kỹ sư mật mã, kỹ sư hệ thống thông tin, chuyên gia tình báo và kỹ sư điện tử. CIWT cũng tổ chức các khóa huấn luyện về chiến tranh mật mã, thông tin, tình báo cho các sỹ quan để giúp họ có đủ kỹ năng ứng phó trong trường hợp xảy ra chiến sự”.
Một trong số các chuyên viên huấn luyện tình báo của CIWT, ông Philip Burrow, cho hay một trong những yếu tố tối quan trọng trong khóa huấn luyện này chính là sử dụng các cơ sở kỹ thuật để nhanh chóng nắm được các thông tin giúp họ “hiểu rõ về địch thủ”.
Hiểu rõ về địch thủ sẽ giúp họ nắm được thông tin cơ sở để tung ra các đòn đánh lạc hướng trong chiến tranh - trong đó vận dụng hàng loạt các vũ khí mạng, vũ khí điện tử, radio hay thậm chí vũ khí động lực học nhằm đánh lạc hướng, gây rối loạn và đánh lừa kẻ địch. Ví dụ, một chiến hạm có thể phát đi một tín hiệu điện tử từ một vị trí giả, khai hỏa vũ khí từ một địa điểm giả hay thiết kế nguyên một chiến hạm “tàng hình” chuyên để vượt mặt các hệ thống radar - giống như trường hợp của tàu khu trục lớp Zumwalt của Mỹ.
Theo National Interest