Hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ nói với nhau những gì trong cuộc điện đàm ngày 28/7?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà Trắng đã xác nhận hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình dự kiến ​​điện đàm vào tối 28/7 trong bối cảnh quan hệ hai bên đang căng thẳng nhất là liên quan đến chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có thể sắp diễn ra.
Hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ có cuộc điện đàm thứ 5 vào tối 28/7 theo giờ Washington (Ảnh: Deutsche Welle).
Hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ có cuộc điện đàm thứ 5 vào tối 28/7 theo giờ Washington (Ảnh: Deutsche Welle).

Mặc dù Nhà Trắng hôm 26/7 đã xác nhận cuộc điện đàm Joe Biden-Tập Cận Bình sẽ diễn ra tối 28/7 theo giờ Washington, nhưng theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 28/7, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby khi trả lời phóng viên hôm thứ Tư (27/7), đã không xác nhận thời gian cụ thể diễn ra cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Trung Quốc, mà chỉ nói “sẽ diễn ra trong mấy ngày tới” và nói thêm, ông Biden hy vọng giữ thông suốt kênh liên lạc với ông Tập..

Ông Kirby cho rằng Mỹ và Trung Quốc phải đảm bảo các kênh liên lạc thông suốt giữa hai nguyên thủ. Ông nói hai bên có không gian hợp tác, rõ ràng cũng có căng thẳng và va chạm. Ông đề cập rằng Trung Quốc có những hành vi khiêu khích và cưỡng ép ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bên ngoài Đài Loan; ông Biden sẽ nhắc lại rằng chính sách một Trung Quốc của Mỹ sẽ không thay đổi và ông không muốn tình hình ở Eo biển Đài Loan được giải quyết bằng vũ lực.

Ông Kirby cũng chỉ ra rằng cuộc điện đàm thượng đỉnh Mỹ-Trung này cũng sẽ bao gồm các vấn đề kinh tế, cũng như việc Trung Quốc không muốn lên án điều mà ông gọi là “cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine”; nhưng ông Kirby không tiết lộ liệu ông Biden có nhắc đến vấn đề chất ma túy Fentanyl từ Trung Quốc đưa sang Mỹ và nguồn gốc dịch bệnh COVID-19 hay không.

Hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau năm 2013 (Ảnh: Dongfang).

Hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau năm 2013 (Ảnh: Dongfang).

Về chuyến thăm có thể có của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan, ông Kirby bác bỏ cảnh báo của phía Trung Quốc, nói rằng chuyến thăm chưa được công bố chính thức và những nhận xét liên quan sẽ không giúp ích gì.

Theo trang tin Deutsche Welle của Đức, người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên tại cuộc họp báo rằng quản lý cạnh tranh kinh tế giữa hai nước cũng được cho là trọng điểm của cuộc đối thoại. Đây sẽ là cuộc điện đàm thứ 5 giữa hai nhà lãnh đạo và diễn ra sau khi Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ đối với chính quyền Joe Biden về chuyến thăm Đài Loan có thể diễn ra của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Ông Kirby cho biết hai bên có thể nói chuyện về các chủ đề "Từ tình hình căng thẳng ở Đài Loan, đến cuộc chiến ở Ukraine, và cách chúng ta làm thế nào có thể quản lý tốt hơn sự cạnh tranh giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế. Đây là một cuộc trao đổi điện thoại đã được thu xếp trong một thời gian dài. Hai nhà lãnh đạo đã sắp xếp một chương trình nghị sự khá lớn cho cuộc hội đàm."

Theo chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ, Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng theo luật của Mỹ, Mỹ có nghĩa vụ cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự bảo vệ mình. Nhà Trắng đã nhanh chóng nhắc lại rằng lập trường đó không thay đổi, mặc dù người ta liên tục đưa ra những đồn đoán về chuyến đi của bà Pelosi.

Bà Pelosi đang xúc tiến chuyến thăm Đài Loan theo kế hoạch bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc (Ảnh: AP).

Bà Pelosi đang xúc tiến chuyến thăm Đài Loan theo kế hoạch bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc (Ảnh: AP).

John Kirby nói rằng, bà Pelosi là một trong những người thừa kế chức vụ tổng thống, vì vậy chuyến đi nước ngoài của bà có liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ. Nhưng chỉ có bà ấy mới có thể đưa ra quyết định về chuyến đi của mình. Ông cho rằng “luận điệu hiếu chiến" của Bắc Kinh về khả năng thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ chỉ làm leo thang tình hình căng thẳng. “Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ không giúp ích được gì và chắc chắn không cần thiết trong tình huống này”, Kirby nói.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ đang xem xét liệu có nên dỡ bỏ một số loại thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc như một cách để giải quyết tình trạng lạm phát trầm trọng của Mỹ hay không, nhưng ông Kirby cho biết Mỹ dự kiến ​​sẽ không đưa ra quyết định trước khi cuộc điện đàm Joe Biden-Tập Cận Bình diễn ra.

Ông Kirby nói với báo chí rằng chính quyền Biden cho rằng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không phát huy tác dụng, nhưng ông Biden vẫn chưa xác định các bước tiếp theo. Ông Kirby nói: "Ông ấy muốn xem xét lại các mức thuế đã được thực hiện để đảm bảo rằng chúng phù hợp với các ưu tiên kinh tế chiến lược của chúng ta và chúng vì lợi ích quốc gia tốt nhất của chúng ta và lợi ích tốt nhất của người dân Mỹ. Đối với vấn đề thuế quan của Tổng thống, tôi không có bất kỳ quyết định nào. Ông ấy đang làm việc với nhóm của mình để giải quyết vấn đề đó."

Tuy nhiên, Kirby cũng nói rõ, ông Biden không hài lòng với chính sách thuế quan hiện tại , tức là đánh thuế 25% đối với hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc để trả đũa điều mà Mỹ gọi là các hành vi thương mại nhất quán không công bằng của Bắc Kinh.

Ông lưu ý: "Chúng tôi quả thực tin rằng ... các mức thuế mà người tiền nhiệm của ông ấy áp đặt được thiết kế rất kém. Chúng tôi cho rằng chúng làm tăng chi phí cho các gia đình và các doanh nghiệp nhỏ và chủ trang trại Mỹ. Và điều đó không thực sự giải quyết được hành vi thương mại có hại của Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cách tiếp cận của chính quyền trước đây đối với thuế quan là một giao dịch tồi tệ."

Hạ nghị sỹ Cộng hòa Michael McCaul xác nhận ông đã được bà Pelosi mời tham gia đoàn đi thăm Đài Loan (Ảnh: mccaul.house.gov).

Hạ nghị sỹ Cộng hòa Michael McCaul xác nhận ông đã được bà Pelosi mời tham gia đoàn đi thăm Đài Loan (Ảnh: mccaul.house.gov).

Trong khi đó, theo Deutsche Welle ngày 28/7, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi vẫn đang được xúc tiến, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Michael McCaul, xác nhận với hãng NBC rằng bà Pelosi đã mời một số nghị sĩ trong đó có bản thân ông và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Gregory Meeks tham gia đoàn đại biểu đi thăm Đài Loan.

Ông McCaul là nghị sĩ đầu tiên xác nhận về kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi. Trước đó, Người phát ngôn của bà Pelosi luôn lấy cớ “thỏa thuận an ninh lâu dài” từ chối xác nhận mọi lịch trình thăm nước ngoài của bà, còn Nhà Trắng thì không xác nhận bà Pelosi có thực sự dự định thăm Đài Loan hay không.

Ông McCaul không nêu cụ thể ngày giờ bà Pelosi thăm Đài Loan, nhưng nói: “Bất cứ thành viên nào muốn đi đều nên đi. Chuyến thăm sẽ thể hiện sự uy hiếp chính trị đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng nếu chuyến đi này gây nên khó khăn đối với quân sự thì bà ấy cần chú ý đến vấn đề về mặt quân sự.”

Nữ nghị sĩ Dân chủ Anna Eshoo, đồng minh của bà Pelosi hôm 27/7 cũng cho NBC biết bà Pelosi cũng đã mời bà đi thăm Đài Loan, nhưng bà không thể tham gia được. Về phía Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Gregory Meeks, người phát ngôn của ông chưa trả lời ngay đề nghị bình luận.