Hai nước Bắc Âu "bật đèn xanh" cho Ukraine tấn công tầm xa vào Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hai nước thành viên NATO có hành động bất chấp Nga cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” từ các cuộc tấn công sử dụng vũ khí phương Tây.

Lục quân Mỹ phóng tên lửa từ hệ thống HIMARS trong quá trình huấn luyện bắn đạn thật tại Khu huấn luyện Adazi (Ảnh: Getty)
Lục quân Mỹ phóng tên lửa từ hệ thống HIMARS trong quá trình huấn luyện bắn đạn thật tại Khu huấn luyện Adazi (Ảnh: Getty)

Các thành viên NATO gồm Na Uy và Phần Lan cho biết Ukraine có thể thực hiện các cuộc tấn công tầm xa chống lại Nga bằng cách sử dụng vũ khí phương Tây do khối quân sự này cung cấp. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công các mục tiêu ở khu vực Nga giáp với vùng Kharkov của Ukraine.

Hôm 30/5, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các quốc gia thành viên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide cho biết không nên hạn chế việc sử dụng vũ khí do các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine.

“Chúng tôi cũng tin rằng Ukraine có quyền quốc tế hoàn toàn rõ ràng để tấn công Nga trên lãnh thổ của mình, như một phần của việc bảo vệ lãnh thổ của họ”, ông Eide nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Na Uy NRK.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nhật Bản hôm thứ Năm, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho biết ông không có vấn đề gì với việc Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp, miễn là nó tuân thủ luật pháp quốc tế.

“Không có vấn đề gì với việc sử dụng vũ khí được cung cấp để tấn công Nga nhằm mục đích tự vệ. Sẽ là đạo đức giả nếu gửi vũ khí không thể sử dụng được”, ông nói, được hãng tin Nikkei dẫn lại.

Giới lãnh đạo Ukraine đã yêu cầu NATO cho phép sử dụng vũ khí của mình để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

Latvia và Ba Lan trước đó cho biết họ ủng hộ các cuộc tấn công như vậy. Tuy nhiên, Italy và Hungary đã lên tiếng phản đối ý tưởng này. Theo Politico, Thủ tướng Đức Olaf Scholz được cho là đã thay đổi quan điểm về vấn đề này, cho biết hôm 29/5 rằng ông hiện ủng hộ các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu bên trong nước Nga, bất chấp những lo ngại trước đó về việc leo thang với Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 28/5 nói rằng những nước phương Tây ủng hộ Kiev cần hiểu rằng các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí mà họ cung cấp sẽ thể hiện sự leo thang xung đột và dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng”.

Theo RT