Người hiến giác mạc cho 2 bệnh nhân là một thanh niên 34 tuổi, ở Phú Thọ, bị chết não do tai nạn giao thông. Sau khi được tư vấn, thấu hiểu việc hiến tạng có thể cứu sống nhiều cuộc đời khác, gia đình bệnh nhân đã đồng ý hiến mô, tạng sau khi bệnh nhân qua đời, để cứu các nạn nhân đang chờ ghép.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân tên B. (SN 1974, ở Nghệ An) bị chấn thương mắt trái cách đây 33 năm, để lại sẹo dày vùng trung tâm giác mạc kèm theo đục thể thủy tinh, thị lực rất kém.
Và ghép giác mạc là giải pháp duy nhất, nhưng bệnh nhân đã phải chờ đợi từ rất nhiều năm nay do không có nguồn giác mạc hiến.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân tên H. (SN 1955, ở Phú Thọ) bị viêm giác mạc nội mô từ nhiều năm nay, đã được điều trị thuốc nhiều đợt nhưng không khỏi.
Theo lời kể của bệnh nhân, trong suốt thời gian dài mắt trái nhìn rất mờ, thường xuyên bị sưng đỏ, cộm, nhức, chảy nước mắt nhiều, gây ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán mắt trái bệnh giác mạc bọng, đục thể thủy tinh, có chỉ định ghép giác mạc. Tuy nhiên, người bệnh phải chờ đợi 3 năm nay vì không có giác mạc hiến.
Ngay sau khi được Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã khẩn trương đến lấy 2 giác mạc và tiến hành 2 ca mổ liên tiếp ghép giác mạc kết hợp với phẫu thuật thể thủy tinh cho hai người bệnh.
Kết quả sau 4 ngày phẫu thuật, các mảnh ghép trong, thị lực sau chỉnh kính đã đạt được 2/10 và sau 5 ngày phẫu thuật, cả 2 người bệnh đã được ra viện.
TS.BS Nguyễn Thế Hồng - Khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - người trực tiếp phẫu thuật ghép giác mạc cho 2 bệnh nhân - cho biết, đây là các bệnh nhân phức tạp hơn so với thông thường vì phải phẫu thuật ghép giác mạc kết hợp với lấy thể thủy tinh đục, đặt thể thủy tinh nhân tạo.
Sau khi ra viện, người bệnh ghép giác mạc được cho thuốc về điều trị và hẹn khám lại định kỳ lâu dài. Việc tuân thủ điều trị và đến khám lại đúng hẹn là rất quan trọng để có thể phát hiện sớm những biến chứng cũng như giúp mảnh ghép giác mạc có thể ổn định lâu dài.
"Để hạn chế những tổn thương và dị tật bệnh lý cho mắt, bệnh nhân cần phải đến khám lại ngay nếu có các dấu hiệu: mắt đau nhức, đỏ mắt, thị lực giảm… vì đây có thể là dấu hiệu của biến chứng nhiễm trùng, tăng nhãn áp hoặc phản ứng thải mảnh ghép mà nếu không điều trị kịp thời có thể gây hỏng mảnh ghép" - TS.BS Nguyễn Thế Hồng chia sẻ.